200 lượt xem

Hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ – Nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo

Trong xã hội ngày nay, khi con người có thể hưởng thụ được những thành quả về vật chất và tinh thần, thì họ sẽ càng chú trọng hơn về vẻ đẹp, hay nói cách khác là hình ảnh bản thân của mình. Hầu hết mọi người đều có một vài điểm không hài lòng trên cơ thể và luôn mong muốn thay đổi ngoại hình bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, với một số cá nhân, việc tìm kiếm một diện mạo đẹp đẽ thường bắt nguồn từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ, nâng mũi hoặc nâng ngực để thảo mãn với “bức tranh hoàn hảo” mà họ tưởng tượng ở trong đầu.

Phẫu thuật thẩm mỹ thường nhằm tăng cường và cải thiện một số tính năng của cơ thể. Do đó, mục đích của phẫu thuật thẩm mỹ là khiến ai đó cảm thấy hấp dẫn và tự tin hơn. Khi cá nhân có những nỗi lo quá mức về vẻ ngoài của bản thân và cảm thấy bất an khi phải đối diện với người khác vì sợ mọi người phát hiện ra khuyết điểm trên cơ thể của mình, hoặc khi cá nhân có những quan niệm theo đuổi cái đẹp hoàn mĩ, họ sẽ mong muốn được phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi vấn đề. Tuy nhiên, khi sự bất an trở thành nỗi ám ảnh và phẫu thuật thẩm mỹ trở thành niềm đam mê và sở thích của họ, thì đó đã trở thành vấn đề nghiêm trọng và là một bệnh lý cần phải quan tâm đúng cách.

Với xã hội tiến bộ như ngày nay, khi phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến và giá cả phải chăng, tỷ lệ những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cũng tăng lên rất nhanh. Theo thống kê tại Việt Nam, số lượng các ca phẫu thuật thẩm mỹ và số người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng lên đáng kể so với các năm trước đó. Có thể thấy xu hướng làm đẹp ngày càng thịnh hành, kéo theo đó và sự tăng vọt về những thay đổi bằng “dao kéo” và những hiểm họa không thể lường trước được.

Hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ là một rối loạn nghiêm trọng có thể khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cá nhân đó suy giảm nhanh chóng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Hội chứng này thường gặp phần lớn ở phụ nữ, nhưng phái nam cũng không phải là ngoại lệ, nó khiến người bệnh luôn cảm thấy tự ti và liên tục so sánh mình với người khác. Nghiện phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến người bệnh trở nên tồi tệ hơn trước, vì họ thường có những kỳ vọng không thực tế về kết quả và phải chịu nhiều đau đớn, bất tiện khi phẫu thuật mà không nhận được kết quả như mong muốn. Những cá nhân này sau đó sẽ tiếp tục đi theo con đường “dao kéo” và chi toàn bộ thời gian, tiền bạc cho các cuộc giải phẫu nhưng đều không làm cho họ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Như chia sẻ của cô bạn đi cùng với chị N đến SUNNYCARE tâm sự rằng: “Trên người chị ấy hầu như chỗ nào cũng được chỉnh sửa hết rồi.” Chị N 30 tuổi, đã có chồng và một con gái nhỏ. Trước khi nhờ tới phẫu thuật thẩm mỹ, chị có dáng người tầm thước với khuôn mặt ưa nhìn nhưng luôn bất mãn bởi đôi mắt mí rưỡi, cánh mũi hơi to. Một ngày, chị soi gương không biết bao nhiêu lần. Khi ai đó khen xinh, chị thường cho là họ nói đểu. Chị luôn sợ những câu nói đụng chạm đến vấn đề nhan sắc. Sau khi lấy chồng, sinh con, chị càng bị ám ảnh nhiều hơn về hình thể. Được nhiều người nhận xét là lấy lại dáng nhanh, nhìn đẹp hơn thời con gái nhưng chị không tin và và ngày càng cảm thấy mình kém hấp dẫn. Chị dồn hết tiền dành dụm đi nâng ngực, hút mỡ nhưng vẫn chưa thấy hài lòng và càng muốn có thêm nhiều cuộc phẫu thuật khác.

Cũng luôn khổ sở vì không hài lòng với vẻ ngoài của mình, C cũng đã nhiều lần tìm tới bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. 25 tuổi, cao 1,65 m, có lợi thế trong công việc phân phối mỹ phẩm nhờ ngoại hình bắt mắt, C lại không mấy tự tin khi tiếp xúc với khách hàng. Cô gái có nước da trắng và dáng người cao ráo này thường xuyên được đồng nghiệp, khách hàng hỏi về bí quyết làm đẹp nhưng bản thân cô lại không hài lòng với ngoại hình của mình. Ngay từ tuổi dậy thì, C đã luôn sợ béo, ngày nào cũng lấy thước đo vòng eo, săm soi từng milimet trên khuôn mặt. Có chiếc mũi gọn không cao song hài hòa với gương mặt thanh thoát nhưng C luôn thấy xấu. Cô đã vài lần đến cơ sở phẫu thuật thẩm mĩ, lần thì yêu cầu được hút mỡ bụng, khi muốn sửa mũi, lần lại muốn chỉnh cho mắt to ra… và đều được bác sĩ khuyên không nên chỉnh sửa gì vì cơ thể cô gọn gàng, gương mặt cũng khá hài hòa. Gần đây nhất, C tìm gặp bác sĩ phẫu thuật và muốn được chỉnh thu gọn xương hàm để mặt thon hơn nữa. Vị bác sĩ khéo léo giới thiệu C với chuyên gia tâm lý, nói với cô rằng cần chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi đụng tới dao kéo. Dù không muốn nhưng C cũng phải thừa nhận khi bác sĩ khẳng định cô mắc chứng rối loạn dị dạng cơ thể.

Hai trường hợp trên có thể thấy rõ ràng rằng người bệnh có những suy nghĩ và hành vi sai lầm gây nên nhiều triệu chứng điển hình của Hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Vậy nên, khi bản thân bạn hoặc thân nhân có những biểu hiện của chứng bệnh, hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được điều trị đúng cách.  Để hiểu thêm về hội chứng “Nghiện phẫu thuật thẩm mỹ” cũng như những hậu quả tai hại và khó lường do nó gây ra để biết cách điều trị và cải thiện, hãy cùng chuyên gia Viện Tâm Lý SUNNYCARE tìm hiểu một số vấn đề khái quát dưới đây.

Chuyên gia tâm lý SUNNYCARE chia sẻ rằng: Hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ là một rối loạn hành vi khiến một người liên tục muốn thay đổi ngoại hình bằng cách trải qua việc phẫu thuật thẩm mỹ. Rối loạn này có thể khiến một người chi trả toàn bộ thời gian, tiền bạc và sự đau đớn cho nhiều cuộc giải phẫu, nhưng tất cả những điều này cuối cùng có thể không làm cho họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ thường bắt nguồn từ sự bất an mà một người cảm nhận về vẻ ngoài của họ. Tuy nhiên, khi sự bất an trở thành nỗi ám ảnh và phẫu thuật thẩm mỹ trở thành niềm đam mê và sở thích của họ, thì đó đã trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Khi một người sống với sự bất an, suy nhược và cảm thấy tốt hơn về ngoại hình của họ sau ca phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên, họ có thể quyết định rằng cơ thể của mình cần được “sửa chữa” thêm nhiều lỗ hổng khác. Ngay khi phẫu thuật thẩm mỹ trở thành giải pháp cho sự tự nhận thức tiêu cực ấy, họ sẽ đăng kí càng nhiều cuộc phẫu thuật càng tốt. Một số người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thậm chí còn cố gắng thay đổi bản thân để trông giống người khác, chẳng hạn như một người nổi tiếng mà họ ngưỡng mộ.

Nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phần lớn những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ đều chịu ảnh hưởng của căn bệnh Rối loạn dị dạng cơ thể (BDD). Đây là tình trạng rối loạn tâm thần, được đặc trưng bởi các mối bận tâm dai dẳng về những khiếm khuyết không có thật hoặc một khiếm khuyết nhỏ mà người khác không nhìn thấy. Rối loạn này ảnh hưởng đến cả nam và nữ và thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành sớm. Rối loạn dị dạng cơ thể chỉ ảnh hưởng khoảng 1% – 2% dân số nói chung nhưng đã được phát hiện là phổ biến hơn tới 15 lần ở những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bất cứ ai từng phẫu thuật thẩm mỹ đều có vấn đề về tâm lý, nhưng trong nhiều trường hợp, rối loạn dị dạng cơ thể có thể là tác nhân gây nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Những người phải vật lộn với chứng rối loạn dị dạng cơ thể thường ám ảnh về ngoại hình của họ và thường xuyên tham gia vào các hành vi ám ảnh cưỡng chế như: nhìn chằm chằm vào gương, so sánh các đặc điểm của từng cá nhân, lột da, tìm kiếm sự trấn an hoặc thậm chí là tự thực hành các ca phẫu thuật. Do đó, họ chuyển sang phẫu thuật thẩm mỹ vì họ tin rằng phẫu thuật thay đổi ngoại hình sẽ khắc phục nhận thức tiêu cực về bản thân.

Nguyên nhân gây ra hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cũng bắt nguồn từ những nhận thức sai lầm, muốn thay đổi để níu kéo tuổi thanh xuân hoặc đổi đời nhờ nhan sắc nhưng càng thay đổi càng không hài lòng hoặc cảm thấy tốt hơn nên muốn sửa nhiều chỗ khác, điều đó gây ra việc nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, cũng do áp lực về công việc chú trọng ngoại hình và những thành kiến của xã hội nên việc dùng mỹ phẩm, trang điểm hay các cách thức chăm sóc vẻ ngoài thông thường không làm họ hài lòng, ngược lại, khiến họ cảm thấy buồn chán, khổ sở. Đặc biệt là những bệnh nhân thuộc kiểu người có nhân cách yếu, dễ bị ám ảnh hoặc phải chịu nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống khiến họ càng có động lực phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện tình trạng của mình.

Biểu hiện của chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ

🔸 Ám ảnh nặng nề về hình ảnh của bản thân

Tất cả mọi người đều luôn suy nghĩ về hình ảnh của mình khi xuất hiện trước mặt người khác. Tuy nhiên, những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ luôn ám ảnh về hình ảnh của bản thân tới mức soi gương hàng ngàn lần trong một ngày hoặc chụp ảnh “tự sướng” selfie hàng trăm tấm trước khi bật khóc trước mỗi bức ảnh và than vãn về việc bản thân mình xấu xí như thế nào.

Cũng do ám ảnh quá mức về hình ảnh bản thân nên họ luôn chải chuốt ngoại hình bất cứ lúc nào, lựa chọn quần áo, trang điểm hoặc tất cả mọi cách để che đi phần “thiếu sót” của bản thân, hay so sánh mình với người khác và thường xuyên hỏi người khác đánh giá như thế nào về về khiếm khuyết của họ để lấy lại niềm tin, nhưng lại không tin vào những đánh giá ấy.

Ngoài ra, họ cũng quá ám ảnh về những khiếm khuyết cơ thể nhỏ nhặt mà người khác không chú ý đến, hoặc quá quan tâm đến một hay nhiều vùng cơ thể đặc biệt của các diễn viên hay những người nổi tiếng. Họ luôn nghĩ về những khiếm khuyết hình thể của mình và liên tục sờ, kiểm tra khiếm khuyết.

Sự lo lắng quá mức về hình ảnh bản thân khiến họ trở nên nghiêm khắc trong việc ăn kiêng và tập thể dục, thường xuyên cảm thấy phiền muộn, lo âu thậm chí có ý nghĩ tự sát vì không hài lòng với vẻ ngoài của mình.

🔸Luôn cần thêm một cuộc phẫu thuật nữa

Thực tế, có nhiều người cảm thấy không hài lòng vì một hay hai bộ phận trên cơ thể của mình, nhưng ở người bình thường, chỉ cần một hay hai cuộc giải phẫu thẩm mỹ là họ thấy thoải mái và hài lòng ngay. Nhưng những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cứ tiến hành mãi các cuộc “sửa sang” cho đến khi cơ thể bị biến dạng vì họ không bao giờ có cảm giác hài lòng sau mỗi cuộc “trùng tu nhan sắc” bằng dao kéo.

Họ luôn cho rằng một cuộc phẫu thuật nữa là cần thiết để hoàn hảo hơn. Cuối cùng mặc dù trên người bệnh nhân đã có rất nhiều bộ phận đã được phẫu thuật chỉnh sửa như mũi, mắt, tay, ngực…nhưng bệnh nhân vẫn chưa hài lòng về hình dạng cơ thể của mình.

Những bệnh nhân mắc hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thường thực hiện quá nhiều cuộc giải phẫu thẩm mỹ trên một vùng cơ thể hay ở những vùng cơ thể khác nhau. Họ kỳ vọng quá mức và không thực tế vào hiệu quả của phẫu thuật thẩm mỹ. Họ từ chối chấp nhận lời tư vấn của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ góp ý rằng làm thêm phẫu thuật thẩm mỹ là không cần thiết hoặc có thể làm tình hình tệ hơn.

🔸Tưởng tượng ra khiếm khuyết

Theo thống kê, những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thường bị ảnh hưởng bởi rối loạn dị dạng cơ thể (BDD). Đây là rối loạn tâm thần thường gặp ở những người thường xuyên đi phẫu thuật thẩm mỹ hay đi khám ở các phòng khám chuyên khoa về da (6 – 15%). Những bệnh nhân này luôn bị ám ảnh về các khiếm khuyết của hình dạng cơ thể mình mà những khiếm khuyết này thường không đáng kể hoặc do họ hoàn toàn tưởng tượng ra.

Các than phiền thường tập trung vào phần mặt hay đầu, ví dụ như ít tóc, mụn, các nếp nhăn, sẹo, các mạch máu dưới da, da bị tái hay đỏ, mặt trông hơi sưng, không cân đối hoặc lông quá nhiều… Các than phiền khác thì tập trung vào hình dạng, kích cỡ hoặc đặc điểm của mũi, mắt, lông mi, lông mày, tai, miệng, môi, răng, hàm, cằm, má hay đầu. Bệnh nhân cũng có thể quan tấm đến các phần cơ thể khác như bộ phận sinh dục, ngực, mông, bụng, tay, chân, hông, vai, tình trạng cơ bắp… Họ luôn cảm thấy hoang mang, lo lắng, suy sụp về các khiếm khuyết nhỏ nhặt hay do tưởng tượng này.

Họ thường bỏ ra quá nhiều thời gian trong ngày để săm soi, tìm kiếm và tìm cách sửa chữa các khiếm khuyết này. Đôi khi sự mặc cảm về các khiếm khuyết lớn đến nỗi họ không dám ra đường, không muốn tiếp xúc với người khác vì sợ người khác phát hiện ra các khiếm khuyết của mình hoặc tự nhốt mình trong nhà.

🔸Luôn “chịu chi” để theo đuổi hình mẫu lý tưởng

Những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thường sẵn sàng bỏ ra mọi nguồn lực từ tiền bạc, thời gian và năng lượng để theo đuổi hình mẫu lý tưởng của mình qua mỗi lần nằm trên bàn mổ. Họ sẵn sàng hi sinh sức khỏe tinh thần, thể xác và cảm xúc để đạt được mục tiêu làm đẹp. Họ chỉ quan tâm tới đích đến là một gương mặt và thân hình mà họ tự tin là hoàn hảo hơn, chứ không hề suy nghĩ rằng quá trình để có được một chiếc cằm nhọn, một đôi mắt to có thể đau đớn đến mức nào.

🔸Phản ứng dữ dội với những người phản đối

Nhiều người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ có xu hướng phản ứng dữ dôi hoặc thậm chí là bạo lực đối với những người phản ứng với việc làm đẹp của họ bởi vì họ xem đó là hành vi đụng chạm tới lòng tự trọng và sở thích của họ.

Hậu quả

Có lẽ bản thân mỗi người chúng ta đều có thể hình dung được những hậu quả kinh khủng của chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ gây ra. Một ca phẫu thuật thẩm mỹ có thể mang lại kết quả khả quan, nhưng nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Một số rủi ro của phẫu thuật thẩm mỹ đe dọa sức khỏe cơ thể thậm chí là tính mạng bao gồm: các cục máu đông, sẹo, vết bầm tím, sưng tấy, chảy máu quá nhiều, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng, viêm phổi, nguy cơ gây mê (sốc, suy hô hấp, dị ứng hoặc tim ngừng đập). Sau mỗi ca phẫu thuật, cơ thể rất cần thời gian để phục hồi, cụ thể như da và các mô cần ít nhất 2 đến 3 tháng mới có thể hồi phục trở lại. Tuy nhiên, đối với những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, họ cảm thấy không thể chịu được khoảng thời gian đó quá lâu nên càng hối thúc tiến hành các ca phẫu thuật khác càng sớm càng tốt dẫn đến những tổn thương không thể chữa lành như bỏng vĩnh viễn, tấy da cấp, thậm chí là ung thư và hoại tử da. Vì những rủi ro này, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ luôn thực hiện các đánh giá cẩn thận để xem liệu phẫu thuật thẩm mỹ có an toàn hay gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thường bị các bác sĩ từ chối. Trong tình huống đó, một số người sẽ tìm mọi cách để thay đổi vấn đề như tìm các bác sĩ kém chất lượng sẽ đồng ý phẫu thuật hoặc thậm chí tự tiến hành phẫu thuật tại nhà.

Bên cạnh những đau đớn do nghiện phẫu thuật thẩm mỹ gây ra, bệnh nhân còn phải đánh đổi bằng toàn bộ thời gian, tiền bạc khiến cho công việc và các mối quan hệ xung quanh bị suy giảm trầm trọng. Nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ cảm thấy hối tiếc vì họ không hài lòng với diện mạo sau đó. Với những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, họ sẽ càng mong muốn nhiều ca giải phẫu để cải thiện tình trạng chưa hài lòng của họ. Càng nhiều cuộc phẫu thuật, lâu dần sẽ dẫn đến một tổng thể diện mạo không tự nhiên, thậm chí là kỳ quái, một số người còn không thể nhận ra diện mạo của mình trước đó, chưa kể có họ có thể bị tác dụng phụ của phẫu thuật thẩm mỹ khiến cho cuộc sống về sau trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều đó sẽ khiến những “con nghiện” cảm thấy đau khổ, mặc cảm, xa cách xã hội và lạm dụng các chất gây nghiện như rượu, ma túy để cố gắng thoát khỏi sự thất vọng về bản thân, nghiêm trọng hơn có thể gây ra các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách… hoặc thậm chí là tự sát.

Điều trị nghiện phẫu thuật thẩm mỹ như thế nào?

Trong một xã hội tiến bộ như ngày nay, khi phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến và giá cả phải chăng, tỷ lệ những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cũng tăng lên rất nhanh. Do đó, các chuyên gia tâm lý SUNNYCARE luôn khuyến khích bệnh nhân hoặc thân nhân có những cuộc tham vấn càng sớm càng tốt để giảm bớt sự đau khổ và tránh được những tình huống xấu nhất. Trong quá trình hỗ trợ các bệnh nhân mắc hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe tâm trí của thân chủ. Mục đích là giúp thân chủ xác định các kiểu suy nghĩ và quan niệm sai lầm về cái đẹp, giúp họ hiểu rõ hơn về những rối loạn dị dạng cơ thể gây nghiện và vượt qua cảm giác ám ảnh về lòng tự trọng thấp đi kèm với rối loạn, nhận ra các hành vi không phù hợp, thay thế nó bằng những suy nghĩ và hành vi phù hợp hơn thông qua một quá trình luyện tập sức khỏe để cải thiện cơ thể. Đối với những trường hợp nặng hơn, khi bệnh nhân trong những ca phẫu thuật, phải sử dụng thuốc giảm đau liều mạnh, thuốc gây mê, thậm chí là cần sa y tế để giảm đau và kháng viêm khiến họ bị nghiện, thì phải có sự can thiệp y tế để giúp họ được điều trị kịp thời.

Nghiện phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những trải nghiệm khó chịu và đòi hỏi tính thách thức rất cao đối với những hậu quả về sau. Chúng có thể khiến một cá nhân cảm thấy tê liệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, hình ảnh cơ thể nói chung hay nghiện phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng không phải là điều đáng xấu hổ, chính vì thế, nếu bạn đang nhận thấy một số triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo ở bản thân hoặc những người xung quanh, hãy mạnh dạn chia sẻ để kiếm tìm sự trợ giúp. Bởi, một cá nhân có đời sống tinh thần khỏe mạnh không phụ thuộc vào việc đong đếm xem bạn có thể chịu đựng được bao nhiêu khổ đau, mà phụ thuộc vào việc phát triển các tiềm năng của bản thân và sẵn sàng cho ai đó biết bạn cần được trợ giúp.

Chúng tôi hiểu hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, hãy để chúng tôi có cơ hội giúp bạn vượt qua điều đó. Bạn luôn được chào đón ấm áp trong một cuộc tư vấn cùng chuyên gia tâm lý SUNNYCARE bất cứ lúc nào. Các chuyên gia của Viện Tâm Lý SUNNYCARE luôn sẵn sàng đồng hành ngay khi bạn cần trợ giúp qua số 19006295. Chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc đạo đức hành nghề, tận tâm trách nhiệm, tối ưu dịch vụ và bảo mật tuyệt đối.

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn