74 lượt xem

Những điều cần biết về trầm cảm

Trầm cảm là hệ quả của đáp ứng stress kéo dài. Xét về nguyên nhân, trầm cảm có hai dạng là chứng trầm cảm nội sinh (endogenous depression) diễn ra không phải do sự phản ứng trước một sự kiện hoặc kinh nghiệm đau buồn và chứng trầm cảm phản ứng (reactive depression) là một thể của trầm cảm tâm sinh. Trầm cảm mang đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức và hành vi của cá nhân. Thông thường để chẩn đoán trầm cảm, nhà chuyên môn thường có những cân nhắc liên quan đến tiền sử bệnh, thời gian diễn tiến bệnh và một số triệu chứng điển hình sau đây:

🔸Tâm trạng chán nản, buồn bã

🔸Mất khả năng tập trung, hứng thú trong công việc và các sở thích hàng ngày.

🔸Suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt chú ý đến hành vi tự hại bản thân

🔸Một số than phiền liên quan đến thể trạng như sự mệt mỏi, suy nhược, một số rối loạn trong giấc ngủ và ăn uống.

Dựa trên các triệu chứng điển hình, một số dạng trầm cảm khá phổ biến thường được chẩn đoán như:

Rối loạn Cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder hay SAD), người bệnh sẽ thấy hạnh phúc và thảnh thơi suốt mùa hè, nhưng lại cảm thấy buồn bã vào mùa đông lạnh lẽo và âm u.

Trầm cảm ở thanh thiếu niên, các yếu tố như điểm kém, lánh xa bạn bè, và lạm dụng cồn hay thuốc đều có thể dẫn đến các vấn đề liên quan tới trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Chứng trầm cảm sau khi sinh liên quan đến những thay đổi hóc môn, thể chất, và thêm một vai trò mới khi phải chăm sóc thêm một đứa bé có thể trở nên quá sức với họ. Thiếu quan tâm đến đứa bé, có nhiều cảm nhận tiêu cực về đứa bé, lo lắng làm hại đứa bé và thiếu quan tâm bản thân là những khía cạnh rất điển hình của chứng trầm cảm sau sinh.

Rối loạn trầm cảm kéo dài thường xuất hiện trong một khung thời gian nhất định, song tâm trạng phiền muộn lại dai dẳng tận 2 năm.

Chứng trầm cảm loạn tâm thần, có thể gồm có niềm tin sai lầm, hay nghe hay nhìn thấy những thứ mà người khác không hề trải nghiệm.

Chứng rối loạn lưỡng cực gồm hai thái cực, khi mắc phải chứng hưng cảm, một người có thể cư xử khác lạ, mua sắm rất nhiều hay làm việc trong nhiều ngày mà không ngủ. Hoặc chứng trầm cảm khiến cá nhân cá nhân không muốn ra khỏi giường, không thể giữ nỗi công việc, hay không thể thực hiện hoạt động thường ngày.

Trầm cảm trong mắt bệnh nhân, những người chưa mắc bệnh như thế nào?

Có không ít sai lầm trong việc nhìn nhận và lý giải về những triệu chứng trầm cảm, điển hình như: Trầm cảm nghĩa là cảm thấy buồn mà thôi vì cái tên quá rõ ràng. Trầm cảm đồng nghĩa với cảm giác không hạnh phúc, và với những người không có những hiểu biết căn bản hoặc chưa từng trải qua khó khăn liên quan đến chứng bệnh này, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Trong khi, hầu hết những người mắc chứng trầm cảm đều cảm giác mọi thứ thật tồi tệ, ma mị đến khó lý giải, cảm giác mọi thứ ngột ngạt và kéo dài vô tận. Những triệu chứng khác nhau và trái ngược là một phần nguyên nhân khiến cho việc phát hiện trầm cảm trở nên khó khăn hơn.

Trước hết chúng ta cần phân biệt giữa trầm cảm và “buồn bã”. Trong khi, buồn bã là một loạt cảm xúc do căng thẳng, biến cố lớn trong cuộc sống (tích cực và tiêu cực), và thậm chí là do thời tiết gây nên. Để phân biệt giữa trầm cảm và buồn bã, cần xác định mức độ nghiêm trọng và tần suất diễn ra cảm xúc hoặc triệu chứng. Nếu có triệu chứng trầm cảm gần như mỗi ngày trong vòng 2 tuần trở lên, có thể cân nhắc đến chứng trầm cảm. Tuy nhiên, những người trầm cảm liên tục cảm thấy khốn khổ và cô đơn không hẳn là một nhận định chính xác. Trầm cảm không phải là một chuỗi ngày tháng liên tục của nỗi ám ảnh về cái chết và sự tuyệt vọng. Đó là một trong những rào cản để những người xung quanh có những trợ giúp kịp thời với những trường hợp đang bị trầm cảm. Một vài chia sẻ dạng: “Nhìn thế cơ mà!” hoặc “Tôi mới gặp anh ta vào tuần trước, mọi thứ vẫn rất vui vẻ.”Trầm cảm chỉ khiến bản thân gục ngã khi bạn chỉ có một mình, loay hoay trong nỗi sợ hãi và hoảng loạn. Suy nghĩ họ chẳng thể làm gì cho mình khiến bản thân e ngại, không muốn giãy bài.

Trầm cảm nghĩa là yếu kém, tệ hại là một trong những ký giải sai lầm và thiếu tính nhân văn. Bạn không đơn độc và rất nhiều người cũng đang trong tình trạng như bạn. Đây không phải là một chọn lựa, đó là cả một quá trình khó khăn và nhiều tác động. Người trầm cảm không hẳn chỉ cần bỏ thói xấu đó đi là được. Một cá nhân rơi vào trầm cảm cần rất nhiều nguồn lực để trợ giúp. Việc đối đầu với những trở ngại về tâm trí lẫn thể chất là một thử thách lớn và vô cùng khó khăn, đôi khi sử dụng ý chí không chưa đủ.

Có nhiều nhận định cho rằng trầm cảm thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Điều này chưa hẳn đúng. Một số nền văn hóa không khuyến khích đàn ông tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề tâm lý. Họ đặt ra những quy chuẩn và vô hình chung góp phần định hướng nên một số cách thức giải quyết vấn đề. Đàn ông thường ít bộc lộ ý định của mình cho người khác biết. Khi không nhìn thấy dấu hiệu cảnh báo nào, người thân và gia đình của họ thường không kịp can thiệp. Chính vì thế, trong khi phần lớn phụ nữ được chữa trị và hỗ trợ thì đàn ông xoay xở với những vấn đề của mình bằng cách lạm dụng chất kích thích, bạo và những lần tự tử không thành.

Trầm cảm có nguy cơ ở tất cả các độ tuổi, trầm cảm không chỉ xảy ra ở người trưởng thành. Ví như thanh thiếu niên cũng có những vấn đề tâm lý của riêng chúng. Tuy nhiên, trẻ vị thành niên ngại tìm cách hỗ trợ vì chúng nhầm tưởng rằng sẽ có rất nhiều trở ngại.

Những nguyên nhân gây ra trầm cảm?

Trầm cảm không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay tình trạng kinh tế xã hội. Trầm cảm có thể đánh gục bất kỳ ai. Các triệu chứng của trầm cảm thường khác nhau theo từng lứa tuổi. Ở trẻ em, các triệu chứng trầm cảm thường liên quan đến những than phiền về tình trạng đau bụng, đau đầu, thay đổi thói quen ăn uống… Bên cạnh các triệu chứng đề thể trạng thì thái độ hung hăng, cáu kỉnh hoặc trở nên u buồn, trầm uất hoặc đề cập đến những chủ đề mang tính tiêu cực là điều không hiếm để bắt gặp. Nhiều trẻ có xu hướng rút lui, né tránh các hoạt động xã hội, trường lớp. Ở độ tuổi vị thành niên, chúng thường xuyên mất ngủ và thiếu động lực sống. Nếu cha mẹ có những sự quan sát sẽ rất dễ nhận ra tình trạng mất năng lượng ở trẻ. Những người trưởng thành, chứng trầm cảm thường gắn liền với các nguyên nhân liên quan đến các mối tương quan, sự nghiệp và hình ảnh bản thân. Họ thường xuyên gặp khủng hoảng trong việc sắp xếp thời gian biểu, đặt mục tiêu và kiểm soát cơn nóng giận. Một đối tượng không thể bỏ qua là chứng trầm cảm ở những người cao tuổi. Họ thường phàn nàn những vấn đề thể chất hơn là tâm lý, điều này có thể khiến bác sĩ chuẩn đoán sai bệnh của họ.

Trầm cảm có thể đến ngay cả khi mọi thứ đang rất ổn. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, nguyên nhân lại khá là rõ ràng. Một số nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến khi xem xét các trường hợp trầm cảm như:

🔸Các yếu tố về sinh hóa cụ thể như gen, chất dẫn truyền thần kinh và ảnh hưởng của hóc-môn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số chất trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc. Các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến trầm cảm bao gồm norepinephrine, dopamine và serotonin. Một số trường hợp điển hình cho thấy các cá nhân là con của người từng bị những chứng trầm cảm có xu hướng dễ nhạy cảm với bệnh, kể cả khi được nuôi bởi bố mẹ nuôi. Nếu bạn gặp vấn đề với tuyến giáp hoặc sự mất cân bằng một hóc môn nào đó, đó có thể là nguyên nhân của chứng trầm cảm.

🔸Các tác nhân gây stress trong cuộc sống như mâu thuẫn trong hôn nhân, các vấn đề tài chính nghiêm trọng hoặc một mất mát lớn,…Một số sự kiện gây sang chấn trong quá khứ như lạm dụng tình dục, bạo hành gia đình, bạo lực học đường…cũng góp phần kích hoạt tình trạng trầm cảm có nguy cơ gia tăng khi gặp phải những kích thích mạnh.

🔸Trầm cảm có thể là một trong những hệ quả của việc sử dụng chất gây nghiện như ma túy hoặc rượu hoặc một tác dụng phụ của loại thuốc mà bạn đang sử dụng, sự thay đổi theo mùa,…

🔸Một số bệnh nhân có xu hướng hay u sầu, tiêu cực, hướng nội, tự chỉ trích, quá đa nghi và hay phê phán người khác, suy nghĩ sâu xa về khiếm khuyết, nhạy cảm với sự từ chối, hay nghĩ và lo âu thường xuyên hoặc thái quá,…nhạy cảm với bệnh trầm cảm. Ngoài ra, những người thường hay cư xử một cách độc lập, chống đối hoặc bốc đồng có khả năng mắc trầm cảm cao hơn.

Bệnh nhân tìm đến bác sĩ trong tình trạng như thế nào?

Trước khi bệnh nhân trầm cảm tìm gặp bác sĩ, thông thường đã phải trải qua một quá trình diễn tiến phức tạp trong tâm trí. Các triệu chứng của trầm cảm có thể đã khởi phát trước đó, tuy nhiên, mỗi người đều có những chiến lược ứng phó khác nhau từ tiêu cực đến tích cực. Tuy nhiên, một số rào cản về tài chính, hình ảnh cá nhân, thậm chí là sự hiểu biết đúng cách với tình trạng đang gặp phải,…khiến một số cá nhân rơi vào tình trạng kiệt quệ, đáng báo động khi đến gặp bác sĩ.

Số lượng bệnh nhân chủ động tìm gặp bác sĩ để tìm hiểu bệnh tình của mình không nhiều. Đa phần, chúng ta chỉ dành sự quan tâm đến các vấn đề về thể chất, chỉ đến khi nào các mắc xích trong đời sống như tình yêu, hôn nhân, công việc…bị gãy đổ hoặc xuất phát từ cảnh báo của một ai đó đủ quan trọng với bản thân thì lúc đó câu chuyện mới trở nên nghiêm túc. Đây là khía cạnh cũng không khó để lý giải vì những khó khăn về tâm lý không biểu hiện đồng loạt, và một trong những sai lầm khi bản thân hay đánh đồng các chứng khó khăn về tâm trí với những sự kém cỏi, yếu đuối của bản thân. Để đến khi, mọi thứ được rõ ràng thì cũng rất có thể đã là quá muộn.

Một số khác được người thân hoặc bạn bè đưa đến, nhưng hầu hết cũng trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn hoặc có những ý định hoặc hành vi tự hại. Chúng cho thấy một điều, mối tương quan giữa cá nhân với cá nhân đóng một vai trò hết sức quan trọng đến việc cá nhân cần trợ giúp có  đủ tin cậy để tiết lộ những khăn khó của bản thân.

Bệnh nhân có hợp tác trong quá trình điều trị không?

Quá trình điều trị với những bệnh nhân mắc phải chứng trầm cảm là một hành trình không dễ dàng và cần rất nhiều nỗ lực từ người bệnh lẫn các đối tượng trợ giúp. Không chỉ cần thời gian để chẩn đoán các giai đoạn trầm cảm, việc tìm ra loại thuốc thích hợp để chữa trị bệnh cũng là một quá trình phức tạp không kém. Với những cá nhân có vấn đề về các bệnh thể chất như tim mạch, phổi, gan thận,… lại càng khó khăn hơn. Người bệnh thường cảm thấy e ngại khi phải điều trị theo phát đồ trong một thời gian dài, ít nhất từ 3 – 6 tháng trong tình trạng tâm trạng có thể thay đổi thất thường hoặc đối mặt với không ít tác dụng phụ của thuốc.

Một số cá nhân từ bỏ việc điều trị khi cảm nhận tình trạng khá hơn, đây là tâm thế khá phổ biến. Tuy nhiên, trầm cảm có thể tái phát bất kỳ lúc nào, đặc biệt là khi cá nhân gặp phải một số bất lợi trong cuộc sống. Chính vì thế việc tuân thủ phát đồ điều trị là hết sức cần thiết để đảm bảo cá nhân có thể ứng phó với một số tiêu cực có thể xảy ra trước khi chúng có dấu hiệu tái phát hoặc gia tăng các triệu chứng của trầm cảm.

Mất khoảng bao lâu để người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường?

Rất khó để tiên lượng việc người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường trong khoảng thời gian bao lâu vì triệu chứng trầm cảm ở mỗi người không giống nhau, tình trạng bệnh, các nhóm nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cũng khác nhau. Đồng thời mức độ hợp tác của người bệnh trong quá trình chẩn đoán, điều trị phụ thuộc vào không ít yếu tố liên quan đến tính cách, lối sống, các nguồn lực hỗ trợ…chính vì thế, việc giảm thiểu các triệu chứng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trị liệu, người bệnh và các nguồn lực xung quanh. Một vài cơ sở để xem xét mức độ tiến triển tốt của việc điều trị trầm cảm:

🔸Thuốc điều trị trầm cảm đáp ứng tốt với tình trạng bệnh.

🔸Triệu chứng điển hình có xu hướng thuyên giảm đáng kể liên quan đến xúc cảm tiêu cực, ăn uống và giấc ngủ.

🔸Cá nhân mắc chứng trầm cảm chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ và mô tả tình trạng sức khỏe bản thân.

🔸Cá nhân bắt đầu quay lại với các hoạt động trong ngày, có khả năng sắp xếp và vận hành cuộc sống.

Những phương pháp hiệu quả để chữa trị trầm cảm? Trầm cảm có tái phát được không?

Các triệu chứng trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể khi được hỗ trợ đúng cách. Với những trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày, khả năng tự hại, tự sát cao hoặc xuất hiện các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh…cần có sự hỗ trợ của dược phẩm. Việc sử dụng thuốc cần có sự chẩn đoán và tiên lượng từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh. Một trong những điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc là người bệnh sẽ phải đối mặt với không ít những tác dụng phụ gây ra bởi thuốc chống trầm cảm. Chính vì vậy, cá nhân cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để có sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả.

Trong quá trình hỗ trợ các bệnh nhân mắc phải chứng trầm cảm, nhiều chuyên gia nhận định việc kết hợp điều trị tâm lý và cải thiện chất lượng sống đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe tâm trí. Tâm lý trị liệu sẽ giúp người bệnh thấu hiểu một cách tích cực về một số căn nguyên dẫn đến tình trạng mà họ đang mắc phải, từ đó tạo ra những thay đổi lâu dài trong suy nghĩ và hành vi. Việc hỗ trợ những bệnh nhân trầm cảm hình thành và phát triển tốt một số kỹ năng trong việc sắp xếp thời gian biểu, suy nghĩ tích cực, lập kế hoạch và khả năng kết nối với môi trường xung quanh sẽ góp nhần giúp họ tự tin và thay đổi nhìn nhận về bản thân và cuộc sống. Một số liệu pháp tâm lý hiện thời như:

Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy): Nhà trị liệu tập trung phân tích những suy nghĩ và niềm tin tiêu cực của người bệnh trong tương quan về bản thân, môi trường sống, các mối quan hệ, tương lai,…nhằm giúp họ nhận biết và loại bỏ chúng bằng các thói quen và lối tư duy tích cực hơn.

Liệu pháp kết nối (Interpersonal therapy): Nhà trị liệu nâng đỡ và gợi mở hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến mối quan hệ với những người khác – những điều có thể là một trong những nguyên nhân chính yếu gây ra trầm cảm.

Thay đổi cách sống tích cực là một trong những đích đến của những cá nhân đang gặp trở ngại lẫn những người không liên quan. Lối sống tích cực giúp cá nhân tích hợp những kỹ năng hữu ích để ứng phó với một số rủi ro xảy đến. Chăm sóc bản thân, kết nối xã hội, xác định đích sống và có chiến lược ứng phó căng thẳng một cách đúng đắn được xem là những khiến nghị thường xuyên dưới sự đồng hành của nhà tâm lý dành cho những cá nhân đang đối mặt với những khó khăn tâm trí.

Thực tế cho thấy, khả năng tái phát trong tất cả những trường hợp trầm cảm là hoàn toàn có thể. Việc cá nhân tuân thủ theo phát đồ trị liệu của nhà chuyên môn đóng một vai trò quan trọng, tuy nhiên tác động của ngoại cảnh hoặc một số diễn tiến không mong đợi về thể chất là những điều rất khó để tiên lượng. Một cá nhân có thể gặp những khó khăn tương tự trong giai đoạn trầm cảm trước khi nhận thấy các kích thích lo âu hoặc nguy hại. Tuy nhiên, để đối phó với tình trạng trên, cá nhân đã từng trải qua chứng trầm cảm có thể lưu ý:

🔸Theo hết phác đồ điều trị trầm cảm và có thể cùng làm việc với nhà tâm lý ngay cả sau khi kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc.

🔸Theo dõi khí sắc, cảm xúc của bản thân: Quan sát và ghi chép các biểu hiện xúc cảm cá nhân mỗi tuần và liên hệ ngay với bác sĩ/ chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy không ổn hoặc bất an.

🔸Cải thiện mạng lưới giúp đỡ: xây dựng và duy trì các nguồn lực hỗ trợ tích cực từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, tổ chức tôn giáo, hoặc các hội nhóm cộng đồng.

🔸Tạo dựng thói quen tốt ví như viết ra các hoạt động dự kiến làm trong ngày hoặc trong tuần từ làm việc, học tập, vệ sinh cá nhân, ăn uống, gặp gỡ, thư giãn…Duy trì luyện tập thể dục sẽ khiến bạn có thêm nhiều năng lượng tích cực để vận hành cuộc sống. Chia sẻ khi bạn có cảm giác khó chịu, căng thẳng, buồn bã hay thậm chí là hạnh phúc, vui vẻ. Tích cực tham gia một vài hoạt động yêu thích, mang tính sẻ chia…

🔸Trao đổi với người thân, bạn bè rằng liệu họ có nhận thấy sự khác biệt trong tâm trạng của bạn hay không? Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu có ý định tự tử.Trải nghiệm bản thân đóng vai trò quan trọng nhất, nhưng ý kiến của người xung quanh cũng quan trọng không kém.

Trầm cảm là một trong những trải nghiệm khó chịu và thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau. Chúng có thể khiến một cá nhân cảm thấy tê liệt cả về tinh thần lẫn thể xác. Tuy nhiên, trầm cảm không phải là điều đáng xấu hổ, chính vì thế, nếu bạn đang nhận thấy một số triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo ở bản thân hoặc những người xung quanh, hãy mạnh dạn chia sẻ để kiếm tìm sự trợ giúp. Bởi, một cá nhân có đời sống tinh thần khỏe mạnh không phụ thuộc vào việc đong đếm xem bạn có thể chịu đựng được bao nhiêu khổ đau, mà phụ thuộc vào việc phát triển các tiềm năng của bản thân và sẵn sàng cho ai đó biết bạn cần được trợ giúp.

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn