178 lượt xem

Rối loạn ám ảnh sợ – Khi nỗi sợ trở thành bệnh lý

Sợ hãi là một cảm xúc bản năng và là đặc điểm tâm lý bình thường của con người. Cảm xúc này giúp chúng ta có những phản ứng tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa, nguy hiểm. Tuy nhiên, điều quan trọng là nỗi sợ ở mức độ nào thì được xem là bình thường, còn mức độ nào thì nó sẽ trở thành một dạng bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động thường ngày và khả năng tương tác xã hội của mỗi cá nhân? Rối loạn ám ảnh sợ có những biểu hiện gì? Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Rối loạn ám ảnh sợ là dạng thường gặp nhất của rối loạn lo âu. Trong đó, người bệnh gặp phải cảm giác sợ hãi quá mức các sự vật và tình huống hoàn toàn không có tính nguy hiểm. Đây là một trong những rối loạn tâm thần có liên quan đến tình trạng lo âu tránh né trong hầu hết các trường hợp. Người bệnh mắc chứng ám ảnh sợ hãi thường có xu hướng tạo lập một “vùng an toàn”, trong đó thực hiện các “hành vi an toàn” như luôn đi cùng người thân, mang theo các đồ vật yêu thích, chọn vị trí thuận lợi để thoát thân.

Rối loạn ám ảnh sợ là một rối loạn mãn tính, kéo dài, khác với cảm giác sợ hãi nhất thời hay những triệu chứng lo âu ngắn hạn. Vì thế, tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến thể chất, tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Rối loạn ám ảnh sợ làm giảm sút kết quả học tập cũng như công việc, phá hủy các mối quan hệ trong xã hội và tâm lý luôn căng thẳng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, đôi khi có ý định tự sát. Một số hội chứng ảm ảnh sợ hãi thường gặp: sợ khoảng trống, sợ nơi đông người, sợ độ cao, sợ bị tiêm,…Cơn “khủng hoảng” này thường xuất hiện khi người bệnh đối diện với những tình huống hoặc các vật dụng gây ra nỗi sợ, thường nằm trong nhóm từ 15 – 24 tuổi, trong đó có đến 96% trường hợp mắc bệnh có khởi phát trước 40 tuổi.

Vậy rối loạn ám ảnh sợ có những biểu hiện như thế nào? Hiểu đúng về rối loạn này ra sao? Hãy cùng chuyên gia SUNNYCARE tìm hiểu một số vấn đề khái quát và một số cách thức phòng ngừa cơ bản dưới đây.

Ám ảnh sợ khoảng trống (agoraphobia):

Ám ảnh sợ khoảng trống (AASKT), theo tiếng Anh là agoraphobia, biểu hiện người bệnh sợ phải đi đến những nơi rộng rãi, trống trải. Tuy nhiên, từ “agora” theo tiếng Hy lạp là để chỉ nơi họp chợ hoặc hội họp khác. Như vậy, AASKT không phải chỉ là sợ các khoảng rộng, khoảng trống mà còn là sợ những nơi, những hoàn cảnh mà người bệnh cảm thấy khó có thể thoát khỏi hoàn cảnh đó, hoặc khó có thể nhờ người giúp đỡ nếu như mình bị điên, bị bệnh nguy hiểm sắp chết.

Với ý nghĩa như vậy, AASKT thường bao gồm các mối lo sợ phải đi ra khỏi nhà: sợ đi vào cửa hàng, sợ đến nơi đông người như nhà thờ, hội họp, sợ các nơi công cộng hoặc sợ đi một mình trong tàu hỏa, ô tô hoặc máy bay. Cũng có thể, trái ngược với mối lo sợ phải đi ra khỏi nhà, người bệnh sợ ở nhà một mình.

Ám ảnh sợ xã hội (Social Phobia):

Nét chủ yếu của ám ảnh sợ xã hội (AASXH) là sợ và né tránh những tình huống xã hội mà người bệnh cảm thấy sẽ bị những người khác nhìn mình một cách chăm chú trong khi người bệnh sẽ phải thao tác một công việc, một hành động nào đó với vẻ bẽn lẽn, lúng túng.

Đặc trưng của AASXH là người bệnh lo sợ dai dẳng về việc mình bị phơi bày cho người lạ ngoài xã hội xem xét một cách kỹ lưỡng. Trung tâm của nỗi sợ hãi là bệnh nhân sợ mình có hình ảnh ngớ ngẩn, lố bịch hoặc sẽ hành động, thao tác một cách lúng túng và xấu hổ trước mặt mọi người.

Những tình huống người bệnh lo sợ thường là phải gặp gỡ những người mới lạ, dự các bữa tiệc, tham gia các hội họp về công việc, hoặc nói chuyện trước các bạn đồng nghiệp. Trong các tình huống, hoàn cảnh như vậy, lo âu có thể biểu hiện như run rẩy, đỏ mặt, nói lắp hoặc có dáng vẻ kỳ quặc. Đôi khi, bệnh nhân xuất hiện cơn hoảng sợ.

Do né tránh các tình huống xã hội thường rõ rệt và nặng nề, có thể gây hậu quả bệnh nhân hoàn toàn cách ly xã hội.

Ám ảnh thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên, từ lo âu khi bị hỏi bài trong lớp, không thích những va vấp ở trường học, các sự kiện xã hội hoặc với bạn bè.

Ám ảnh sợ xã hội, khác với đa số các ám ảnh sợ khác, xảy ra đều nhau ở nam và nữ.

Ám ảnh sợ đặc hiệu (Specific Phobias):

Đó là những ám ảnh sợ các đối tượng hoặc hoàn cảnh chuyên biệt nào đó một cách vô lý, quá mức. Khi có các kích thích gây ám ảnh sợ đặc hiệu, người bệnh mới xuất hiện lo âu và chính sự lo âu đã khiến người bệnh né tránh những đối tượng hoặc hoàn cảnh đó. Các kích thích đặc hiệu gây lo sợ bao gồm:

🔸Các động vật: chó, chim, sâu bọ…

🔸Môi trường tự nhiên: độ cao, cơn giông, tia chớp, nước…

🔸Bị thương, chảy máu: tiêm chích, nhổ răng…

🔸Các hoàn cảnh khác: máy bay, thang máy, các nơi bị đóng kín.

🔸Ám ảnh sợ đặc hiệu là phổ biến, nhưng thực ra nó không gây trở ngại nhiều đến chủ thể nên ít người tìm đến chuyên gia tâm lý để được trợ giúp.

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (Obsessive – Compulsive Disorder):

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (RLAACB hoặc OCD) biểu hiện ở hai thành phần: các ám ảnh và các hành vi cưỡng bức, xuất hiện đơn lẻ hoặc cả hai. (Có những bệnh nhân chỉ có ám ảnh mà không có hành vi cưỡng bức).

Các ám ảnh: là những ý nghĩ, những xung động và các hình ảnh lặp đi lặp lại trong bệnh nhân, có tính chất bắt buộc. Những điều này là vô lý, không thích hợp, không có ý nghĩa nhưng cứ xuất hiện khiến bệnh nhân lo âu và đau khổ rõ rệt. Người bệnh cố gắng quên đi, muốn xóa bỏ những ám ảnh đó đi nhưng không thể được, thậm chí chính sự cố gắng đó lại biến thành các ý nghĩ, và các hình ảnh khác.

Các cưỡng bức: là các hành vi lặp đi lặp lại hoặc các hành động tâm thần mà người bệnh cảm thấy bắt buộc phải thực hiện, phải tuân theo một cách cứng nhắc.

Lý do khiến người bệnh thực hiện các hành vi cưỡng bức là nhằm làm giảm những nỗi lo sợ. Nỗi lo sợ này thường khởi nguồn từ một tác nhân bên trong hoặc bên ngoài. Mặc dù các hành vi nhắc đi nhắc lại có ý định làm giảm lo âu, nhưng việc làm dịu lo âu không kéo dài được bao lâu, vì vậy các hành vi cưỡng bức của người bệnh phải nhắc lại nhiều lần hơn. Người bệnh phải mất nhiều công sức cho các nghi thức để làm giảm lo âu đó. Những nghi thức này ngày càng phức tạp và phải mất nhiều thì giờ để thực hiện chúng. OCD gây ra đau khổ và tổn thiệt cho người bệnh vì chúng chiếm rất nhiều thời gian.

Các ám ảnh cưỡng bức phổ biến là: ám ảnh sợ bẩn khiến người bệnh phải rửa tay, làm sạch lặp lại nhiều lần; sự nghi ngờ quá mức dẫn đến các hành vi kiểm tra; các xung động tình dục…

Rối loạn OCD chiếm khoảng 2 – 3% dân số, tỷ lệ ở nam nữ bằng nhau, bắt đầu từ sau 10 tuổi hoặc trước 20 tuổi.

Phòng ngừa Rối loạn ám ảnh sợ như thế nào?

Một số các biện pháp cơ bản mà chuyên gia tâm lý SUNNYCARE có thể gợi ý cùng quý bạn bao gồm:

🔸Tránh xa những thứ mang lại cảm giá sợ hãi

🔸Hạn chế các tình huống căng thẳng nếu có thê

🔸Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục

🔸Thay đổi cách suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, sống vui vẻ hơn

🔸Không ngần ngại đến gặp bác sĩ/chuyên gia tâm lý để được tư vấn và bắt đầu điều trị sớm nhất có thể nếu gặp phải các sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu và thường xuyên cảm thấy các cơn sợ hãi.

Điều trị rối loạn ám ảnh sợ ra sao?

Rối loạn ám ảnh sợ có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Nguyên tắc chính của việc điều trị là tránh xa những thứ gây sợ hãi, giảm nhẹ triệu chứng sợ xuống mức sợ hãi nghiêm trọng và hạn chế ảnh hưởng đến thể chất và cuộc sống người bệnh. Quá trình điều trị cần thời gian, thường kéo dài nhiều tháng đối với trường hợp ám ảnh xã hội và nhanh hơn đối với các rối loạn ám ảnh sợ sự vật, sự việc cụ thể.

Biện pháp điều trị chính bao gồm thuốc kết hợp liệu pháp hành vi:

🔸Các loại thuốc như thuốc an thần giải lo âu, thuốc SSRI được chỉ định để làm giảm mức độ nặng của triệu chứng hoảng sợ, giảm nhịp tim. Phương pháp sử dụng thuốc tỏ ra hiệu quả với chứng ám ảnh sợ hãi xã hội hơn chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể với một sự vật, sự việc nào đó. Các nhóm thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh phải sử dụng đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

🔸Liệu pháp hành vi, cho người bệnh tưởng tượng trong đầu về các tình huống phải tiếp xúc với các sự vật, sự việc gây sợ hãi như sợ máu, sợ đi máy bay, sợ bị tiêm, sợ động vật là cách tốt nhất để điều trị dứt điểm các chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi cụ thể. Các buổi trị liệu nên được tiến hành liên tục và sắp xếp gần nhau.

🔸Một số phương pháp khác như thôi miên, phản hồi sinh học cũng có thể được áp dụng để điều trị chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi này.  

Nếu quý bạn có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại chia sẻ ngay đến đoàn chuyên gia tâm lý SUNNYCARE qua tổng đài 1900 6295 hoặc đặt lịch hẹn gặp trực tiếp chuyên gia tại văn phòng SUNNYCARE tọa lạc tại tòa nhà Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TP.HCM. Chúng tôi luôn ở đây để chào đón bạn một cách ấm áp nhất trong hành trình cuộc sống ý nghĩa của mình.

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn