Khi nói đến các mối quan hệ, mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm của riêng mình. Các mối quan hệ khi trưởng thành phần lớn có thành công hay không đều liên quan mật thiết đến sự gắn bó với bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng thuở thơ ấu. Theo một nghiên cứu, những đứa trẻ có mối quan hệ vững chắc với bố mẹ khi lớn lên thường biết cách xây dựng các mối quan hệ cá nhân rất tốt, trong khi đó, những đứa trẻ với nhiều mối quan hệ không vững chắc khả năng cao sẽ có những hành vi không lành mạnh và bất ổn trong các mối quan hệ của mình. Như vậy, kiểu gắn bó với bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và quyết định kiểu gắn bó với người bạn đời sau này. Hãy cùng tìm hiểu về thuyết gắn bó trong việc hình thành nhân cách con người để giúp chúng ta cải thiện và xây dựng các mối quan hệ tích cực.
Thuyết gắn bó là học thuyết tâm lý giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người, đặc biệt là những mối quan hệ lâu dài như mối quan hệ giữa bố mẹ/người nuôi dưỡng và con cái, mối quan hệ giữa các cặp đôi hay bạn đời. Thuyết gắn bó được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Anh John Bowlby. Ông mô tả hành vi gắn bó này là “bản tính gắn kết lâu dài về mặt tâm lý của loài người”. Cũng theo góc nhìn của ông trong phân tâm học, các trải nghiệm đầu tiên từ thời thơ ấu là rất quan trọng, ảnh hưởng lên sự phát triển và quyết định các hành vi của con người sau này.
Bowlby đưa ra 3 quan điểm mấu chốt về thuyết gắn bó. Thứ nhất, khi đứa trẻ lớn lên với sự tự tin rằng người chăm sóc thân cận sẽ luôn ở bên khi chúng cần, trẻ sẽ bớt trải qua các cảm giác sợ hãi hơn những trẻ lớn lên mà không có sự tin tưởng đó. Thứ hai, sự tự tin này được rèn luyện trong suốt một giai đoạn nào đó của quá trình phát triển, các mong đợi được hình thành trong suốt quãng thời gian đó có xu hướng cố định, hầu như không thay đổi trong quãng đời còn lại. Thứ ba, ông cho rằng những mong đợi này được hình thành và trực tiếp gắn kết với các trải nghiệm sống. Trẻ sẽ dần hình thành các mong đợi rằng người chăm sóc sẽ đáp ứng các nhu cầu của chúng bây giờ và trong tương lai vì họ đã từng làm vậy ở quá khứ.
Nghiên cứu của Bowlby cũng phát hiện ra rằng yếu tố quyết định sự gắn bó không chỉ ở việc chăm lo chuyện ăn uống, mà là ở sự quan tâm, yêu thương và trách nhiệm. Do đó, kiểu gắn bó với người chăm sóc sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và quyết định kiểu gắn bó với người bạn đời sau này.
Theo các nhà tâm lý học, có 4 kiểu gắn bó ở con người:
- Gắn bó an toàn
Gắn bó an toàn được hình thành từ thời thơ ấu của những đứa trẻ được bố mẹ đáp ứng các nhu cầu và nhận được đầy đủ tình cảm yêu thương. Những người thuộc kiểu gắn bó an toàn thường thoải mái thể hiện sự quan tâm và tình cảm của mình. Họ biết cách giao tiếp với đối phương và truyền đạt nhu cầu, mong muốn của mình một cách hiệu quả. Họ cũng thoải mái khi ở một mình và tự lập. Họ có khả năng quyết định sự ưu tiên cho các mối quan hệ của mình, vạch ra ranh giới rõ ràng cho những mối quan hệ và tuân thủ theo chúng. Họ có thể chấp nhận việc bị từ chối và vượt qua những nỗi đau, nhưng họ cũng có thể trung thành và hy sinh khi cần thiết. Họ tin tưởng những người họ gần gũi và bản thân họ cũng là những người đáng tin cậy. Theo một nghiên cứu, hơn 50% dân số thuộc kiểu gắn bó an toàn.
- Gắn bó lo âu
Những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc và tình yêu thương, quan tâm của bố mẹ sẽ hình thành kiểu gắn bó này. Người thuộc kiểu gắn bó lo âu thường bồn chồn và áp lực với những mối quan hệ của mình. Họ cần sự bảo đảm và xoa dịu liên tục từ đối phương. Họ gặp khó khăn khi ở một mình hay độc thân. Họ luôn khao khát sự thân mật, sợ bị bỏ rơi nên thường nhạy cảm thái quá về các dấu hiệu chia cách trong mối quan hệ và xu hướng kiểm soát, bám đuổi. Họ thường dính vào những mối quan hệ không lành mạnh hay bạo hành. Họ không dễ tin tưởng người khác, ngay cả những người thân cận. Hành vi của họ có thể trở nên mất lý trí, rời rạc, xúc động mạnh và phàn nàn rằng tất cả những người khác giới đều lạnh lùng và vô tâm. Phái nữ thường dễ thuộc kiểu lo âu hơn phái nam.
- Gắn bó né tránh
Hình thành ở những đứa trẻ gặp phải sự lạnh nhạt, xa cách, thờ ơ hoặc thiếu hẳn bóng dáng của người chăm sóc trong thời thơ ấu. Người thuộc kiểu gắn bó né tránh cực kỳ độc lập, tự cường, và thường không thoải mái với sự thân mật. Họ rất e ngại những mối ràng buộc và rất giỏi dùng lý trí để thoát khỏi những tình huống thân mật. Họ thường phàn nàn về việc cảm thấy “đông đúc” và “ngột ngạt” khi người khác cố tiếp cận họ. Họ đánh đồng sự thân mật với việc đánh mất độc lập tự do và liên tục cố gắng giảm thiểu sự gần gũi. Họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc sâu kín của mình với đối phương. Phái nam thường thuộc kiểu gắn bó này nhiều hơn phái nữ.
- Gắn bó lo âu – né tránh
Đây là kiểu gắn bó hình thành từ một tuổi thơ bị bạo hành hoặc bỏ bê nặng nề, tập hợp những điểm tiêu cực của lo âu và né tránh. Những người thuộc nhóm này sợ gần gũi lẫn thân mật với người khác. Họ nhìn nhận các mối quan hệ theo cách rất mâu thuẫn: họ muốn tìm kiếm sự an toàn từ ai thì đồng thời cũng sợ bản thân quá gần gũi với người đó. Kết quả là họ không biết cách nào để bày tỏ mong muốn của mình.
Việc gắn bó giúp con người kết nối tình cảm sâu sắc và lâu dài, giúp ta cảm thấy an toàn, hạnh phúc và khỏe mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu gắn bó giống nhau. Do đó, nhận biết được kiểu gắn bó của mình sẽ là chìa khóa giúp ta cải thiện và giữ gìn các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Khi bạn nhận ra được điểm mạnh hay khía cạnh tổn thương trong mối quan hệ và biết được nhu cầu cụ thể của mình, bạn hoàn toàn có thể thay đổi và làm chủ được cuộc sống của mình.
Dù là kiểu gắn bó nào thì giao tiếp và sự kiên nhẫn cũng là những nhân tố thiết yếu để tạo nên sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nếu những mối quan hệ của bạn vẫn còn gặp nhiều trở ngại, bạn hoàn toàn có thể nhờ cậy thêm sự trợ giúp đến từ các nhà tham vấn để gỡ rối những vấn đề bất như ý, những khó khăn không biết giãi bày cùng ai. Hãy liên hệ đến họ nếu bạn cần thêm sự giúp đỡ cần thiết.
————————
VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE
📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM
SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)
Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY
Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn
- Bạn có thực sự đang muốn cứu vãn tình yêu của mình?
- Trò chuyện hiệu quả với trẻ vị thành niên
- Tạo dựng môi trường học tập tích cực cùng con nhỏ
- Bí quyết dành thời gian cho con mà không bỏ lỡ công việc
- Tính khí nhút nhát ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
- Hoạt động thể dục thể thao – Chìa khóa gắn kết gia đình
- Thiết lập nề nếp gia đình