588 lượt xem

Mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con

Câu hỏi: Tư vấn hôn nhân

Em lấy chồng được 2 năm và có một bé gái 13 tháng. Từ khi có bé, em cảm thấy trầm uất, lúc nào cũng có cảm giác một mình một thế giới, phải đấu tranh với cả chồng lẫn bố mẹ chồng về cách chăm con. Mặc dù chồng em khá tinh tế và chịu tiếp thu những gì em nói, nhưng em luôn có mặc cảm là cái gì mình cũng phải nói, phải giải thích, phải tự tìm hiểu, không ai cùng chí hướng. Nên xung đột vợ chồng xảy ra như cơm bữa, em cảm thấy chán nản và nhiều lúc không muốn sinh thêm con nữa, vì chẳng được nuôi con theo ý mình, nhiều khi còn nghĩ quẩn muốn một mình nuôi con, ly hôn với chồng. Hiện tại, vợ chồng em đang ở chung với bố mẹ chồng.

Một vấn đề nữa con em tự nhiên ăn vạ, và khóc lặng đi khi không vừa ý, lúc đó em nên làm gì? Em tham khảo nhiều site nhưng mỗi người một ý. Xin chuyên gia cho em lời khuyên trong hoàn cảnh của em và tư vấn tâm lí trẻ nhỏ giùm em.

Em cảm ơn chuyên gia nhiều!

SUNNYCARE Trả lời:

Chào em,

Chúng tôi cảm ơn em đã tin tưởng và chia sẻ cùng chúng tôi. Chúng tôi thấu hiểu những áp lực mà em đang trải qua của người mẹ trẻ đang nuôi con nhỏ. Sau khi sinh là một thay đổi lớn của người phụ nữ cả về mặt cơ thể và tâm lý. Đôi khi chính những thay đổi này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của em, làm cho em khó cân bằng và tương tác tốt với mọi thành viên khác, em luôn có cảm giác trầm uất, bồn chồn, lo lắng và đôi khi suy nghĩ tiêu cực. Đó là những biểu hiện của căng thẳng sau sinh mà em cần chia sẻ với mọi người trong gia đình để có thể nâng đỡ em kịp thời.

Thật ra, bất kì ai trong gia đình cũng đều yêu thương, quan tâm chăm sóc và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con em theo cách của mỗi người. Nhưng do ảnh hưởng môi trường sống và điều kiện giáo dục khác nhau nên cách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cũng khác nhau. Em cần bình tĩnh để đón nhận sự khác biệt này tránh những suy nghĩ tiêu cực và phản ứng thiếu kiềm chế. Đôi khi em cũng cần nhìn nhận và đánh giá cách chăm sóc con của bản thân đã thật tốt chưa, những góp ý của ông bà, hoặc chồng em có thật sự hữu ích cho con của em không?

Việc nuôi dạy một đứa trẻ vốn dĩ đã là một thử thách của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Với chồng, em nên chủ động tìm sự thống nhất, hợp tác bằng sự yêu thương và chia sẻ. Hai vợ chồng cùng đọc sách nuôi dạy con, tham gia các buổi hội thảo, các khóa học về nuôi dạy con để giúp em và chồng có thể cởi mở, dễ dàng tìm được điểm chung.

Với cha mẹ chồng thì hai vợ chồng tìm cách chia sẻ với ông bà trên nguyên tắc yêu thương và tôn trọng. Ghi nhận những ý kiến tích cực, công lao từ phía ông bà. Bởi để thay đổi quan điểm của các bậc sinh thành cần khéo léo tránh chạm lòng tự ái, cần kiên trì và đôi lúc cần sự hỗ trợ từ những người có uy tín khác.

Mặt khác, con em 13 tháng, trong giai đoạn này con bắt đầu nhận thức khá tốt hành vi, cử chỉ của người chăm sóc. Ăn vạ lúc này là bình thường, là cơ chế tự nhiên và lành mạnh của con để con tìm cách thỏa hiệp, yêu cầu và vì con chưa biết cách tự giải tỏa cơn giận. Dù biết, thời gian đầu cai ăn vạ thường con sẽ ăn vạ nhiều hơn, gào thét lớn hơn. Khi con bắt đầu ăn vạ, em nên bình tĩnh phớt lờ đi hành động gào thét, hãy đưa con vào một không gian riêng một mình, cúi ngang tầm mắt và nói “khi nào con hết la hét thì mẹ sẽ quay lại”, điều này con sẽ cảm thấy khóc lóc cũng không được gì. Nên thảo luận với gia đình trong cách cai con ăn vạ, không cho người khác can thiệp vào lúc em đang dạy con để tránh con vịn vào người khác và ăn vạ nhiều hơn. Bên cạnh đó chuyển hướng chú ý của con sang các hoạt động mà con thích như xem tranh, chơi bong bóng ..v.v. Cần có những câu ngọt ngào, động viên, khen ngợi con, xong cũng cần có hình phạt rõ ràng khi con vẫn giữ thái độ ăn vạ. Là mẹ em cần phải làm gương cho con mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào và thời gian nào.

Nuôi dạy con là một công trình lớn mà không có một trường lớp nào đào tạo làm việc này. Bởi vậy để hình thành cho đứa trẻ một nhân cách tốt, cần có phương pháp giáo dục nhất quán từ những thành viên trong gia đình, em cần có một tâm thế sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, mọi rào cản và cả sự hy sinh. Nhưng những điều ấy xuất phát từ bản năng của người làm mẹ, của tình thương dành cho con để em sẵn sàng bước tiếp trong cuộc sống và chào đón những đứa con tiếp theo.

Qua thư chúng tôi không thể chia sẻ và nâng đỡ hết những khó khăn tâm lý của người làm dâu, làm mẹ. Bởi hơn hết kiến thức có thể học hỏi và dung nạp từng ngày nhưng cảm xúc, tâm lý của con người lại là thứ quyết định. Nếu có cơ hội cho chúng tôi cùng đồng hành với em trên bước đường này. Hãy gọi điện cho chúng tôi qua tổng đài Viện tâm lý Sunnycare theo số 19006233 hoặc 19006295 để đồng hành cùng Đoàn chuyên gia Tâm lý Sunnycare khi cảm xúc và tâm lý bất an.

Chúc em hạnh phúc,

Chuyên viên Phạm Thị Mỹ Nhung
Đoàn chuyên gia Tâm lý Sunnycare

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn