502 lượt xem

Trẻ mất tập trung, ba mẹ cần biết.

Câu hỏi: Nuôi dạy con cái

Năm nay em 31 tuổi, chồng em 43 tuổi, lấy chồng 4 năm sau em mới sinh được con. Con em là một bé gái năm nay gần 5 tuổi. Vợ chồng em phải khó khăn lắm mới sinh được bé, những tưởng sinh con ra vợ chồng em sẽ rất hạnh phúc nhưng không phải vậy. Em và chồng bất đồng quan điểm trong việc nuôi dạy con, em chăm con như thế nào chồng em cũng nói không đúng và làm ngược lại.

Hiện nay, còn mấy tháng nữa con em vào lớp một. Em muốn con học đúng lứa tuổi, nhưng đầu năm chồng em đã cho đi học viết chữ, học toán. Em không đồng ý nhưng không biết thuyết phục chồng như thế nào.

Con em có những biểu hiện thiếu tập trung. Cô giáo ở trường nói bé tiếp thu rất nhanh, nhưng không nhớ. Về nhà, mỗi lần bé vào học cũng không được lâu là bỏ đi, viện lý do để không học nữa. Bé đánh răng, thay quần áo, và làm một số việc khác thì cứ lơ ngơ, mất thời gian dài mới hoàn thành xong. Xin chuyên gia giúp em làm sao để có tiếng nói chung với chồng và cách nào để tập cho bé tính tập trung.

SUNNYCARE Trả lời:

Chào em,

Chúng tôi phần nào hiểu được vợ chồng em đang gặp những khó khăn trong đời sống hôn nhân và nuôi dạy con cái bởi vợ chồng “lệch pha” quá lớn về tuổi tác. Không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ, cân bằng, và điều chỉnh để vượt qua những chông chênh đó. Dù vợ chồng em có tiên liệu trước điều này hay không nhưng vợ chồng em ắt hẳn phải đối mặt với những khác biệt, những cơn sóng ngầm trong hôn nhân, và trong đó là việc không tìm được tiếng nói chung nuôi dạy con cái.

Sinh được con, sau những năm dài cố gắng, đây là món quà lớn nhất đối với cả em và anh ấy. Nhưng việc nuôi dạy một đứa trẻ vốn dĩ đã là một thử thách của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Hiếm có cha mẹ nào không mâu thuẫn trong chuyện nuôi dạy con. Mỗi người được lớn lên trong một môi trường nuôi dưỡng, giáo dục khác nhau, khoảng cách tuổi tác dẫn đến tâm lý khác nhau nên trong quan điểm nuôi dạy con khác nhau là điều đương nhiên. Thiên hướng cha mẹ nào cũng muốn con đi theo con đường giáo dục mà từ nhỏ mình đã thụ hưởng và cho đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên, không phải cách nuôi dạy của em là đúng, của anh ấy là sai và ngược lại. Vì sự phát triển nhân cách tốt của con, em cần kiên nhẫn, khéo léo cùng chồng hợp tác, ngồi lại với nhau để đưa ra một số thỏa thuận chung trong cách nuôi dạy con, thông qua sách báo, các buổi hội thảo về nuôi dạy con cái, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Hiện nay, việc cho con đi học trước khi vào lớp 1 giống như một trào lưu giáo dục gây tranh cãi của rất nhiều bậc phụ huynh có con vào lứa tuổi này. Chồng em, anh ấy cũng có lý do của mình. Em cần bình tĩnh chia sẻ cùng chồng những lý do của em. Trong giai đoạn này rất cần chuẩn bị cho con đầy đủ các yếu tố thích ứng trước khi vào lớp 1 như trí tuệ, khả năng điều khiển hành vi (ý chí), động cơ kích thích, hứng thú học tập, sự thích ứng của xã hội. Bên cạnh đó, chuẩn bị trước cho con về tâm lý khi thay đổi môi trường học tập từ hoạt động vui chơi là chủ yếu sang hoạt động học tập, có kỷ luật, gò bó không gian và thời gian. Có thể cho con tham gia các lớp phát triển khả năng trí tuệ, phát triển kỹ năng xã hội như môn năng khiếu, hội họa, âm nhạc, sớm lúc nào hay lúc đó, đứa trẻ trong bào thai đã biết cảm nhận âm nhạc. Em và chồng cùng thống nhất việc học của con tránh việc bắt con học quá nhiều thứ khi chưa đến tuổi, đây chính là phần nào lý giải tại sao con em thiếu tập trung.

Trong giai đoạn tuổi của con em, có rất nhiều trẻ thiếu tập trung. Nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này như trẻ xem tivi, điện thoại nhiều, bị ép học nhiều, không có thời gian chơi và quan trọng hơn hết cách tương tác nuôi dạy của cha mẹ, của cô giáo và của bạn bè đối với con. Em cần biết nguyên nhân của con mình để có cách tương tác tốt với con. Trước hết, phải thông cảm điều này với con, không nên la mắng, thúc ép. Hãy cùng với con vào bàn học yên tĩnh, tránh các âm thanh và cùng đặt ra mục tiêu chung cho hai mẹ con cùng làm. Tạo ra một trò chơi mà con em thích, hai mẹ con cùng chơi, đặt mục tiêu để đạt được bằng cách trao cho bé quyền làm chủ, cùng quy định thời gian để hoàn thành sản phẩm, hoặc về đích. Khi con đạt được mục tiêu, con sẽ rất thích thú. Tương tự trong nhiều hoạt động, em cần có kỹ năng thuyết phục, chia sẻ, nhạy bén, và đồng hành cùng con. Bên cạnh đó, luôn luôn quan sát con để có những điều hướng kịp thời khi nhận thấy sự mất tập trung ở con, điều này em cũng cần trao đổi với giáo viên ở trường, bởi thời gian con em tương tác ở trường là rất lớn.

Rất mong em và chồng có thể đồng hành cùng nhau trong hôn nhân cũng như trong việc nuôi dạy con. Bên cạnh người bạn đời lớn tuổi hơn đôi lúc em cần có sự cảm thông, chia sẻ, ứng xử khéo léo và cả học cách chấp nhận, chứa đựng nhau. Kiên nhẫn, khéo léo là nghệ thuật nuôi dưỡng hôn nhân. Ngoài ra em có thể chia sẻ trực tiếp hoặc gọi điện với các chuyên gia tâm lý để chúng tôi có thể đồng hành cùng em.

Chúc em bình an và hạnh phúc,

Chuyên viên Phạm Thị Mỹ Nhung
Đoàn chuyên gia Tâm lý Sunnyacre

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn