108 lượt xem

Hiểu về tự kỷ để hỗ trợ trẻ tự kỷ

Hiện nay, với nhiều cha mẹ ở Việt Nam và cả trên thế giới, nếu chẳng may nhận được chẩn đoán “Con anh/chị bị bệnh tự kỷ!” là một đòn choáng váng của số phận. Choáng váng bởi đó không chỉ là sự tiên lượng về cuộc sống không được bình thường của một đứa trẻ, mà đó còn là một bản “tuyên án” cho gánh nặng mà cha mẹ và gia đình phải gách vác về cuộc đời của đứa trẻ ấy sau này.

Đến bây giờ, rối loạn phổ tự kỷ vẫn đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình, vì chẩn đoán và điều trị tự kỷ có nhiều khó khăn, cho nên cha mẹ có con tự kỷ có thể trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc từ choáng váng, lo âu, buồn rầu, tức giận, phủ nhận, trầm cảm và cô đơn…..Tuy nhiên, nếu cha mẹ có kiến thức về tự kỷ, hiểu về tự kỷ và được nhà chuyên môn đồng hành, thấu hiểu và giải thích về tự kỷ, thì việc cha mẹ sớm đến giai đoạn chấp nhận và hy vọng ở tiềm năng của con mình. Không phải trẻ tự kỷ nào cũng đần độn, khuyết tật vĩnh viễn, không thể tự lập hay hòa nhập được với xã hội. Vì may mắn thay, không phải tất cả các dạng tự kỷ đều không cứu chữa được, và hầu hết các trẻ tự kỷ đều không phải là những đứa trẻ vô dụng. Nhưng có một thực tế là không phải cha mẹ nào cũng biết điều này, cũng như không phải ai cũng biết cách nhận biết sớm các biểu hiện không bình thường của con mình để tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, ít người trong chúng ta có đủ kiến thức và kỹ năng để nuôi dạy, chăm sóc một đứa trẻ tự kỷ, giúp trẻ có cơ hội hòa nhập vào đời sống cộng đồng.

Tự kỷ là một trong năm tiểu loại của nhóm bệnh Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Developmental Disorders – PDD) là cái tên được Cẩm nang Phân loại và chẩn đoán các bệnh Tâm thần (DSM – 4) của Hiệp hội Chuyên gia tâm thần của Hoa Kỳ chính thức đặt ra. Một số sách báo còn gọi nhóm này là rối loạn phổ tự kỷ (autism srpectrum disodes). Đây là căn bệnh được phỏng đoán là có nguyên nhân từ những hoạt động bất thường của hệ thần kinh, làm cho khả năng phát triển các mặt ngôn ngữ, hành vi, và cách ứng xử của cá nhân ấy bị giới hạn, sai lệch, ….

Tự kỷ có những dấu hiệu từ lúc mới sinh ra, nhưng phải đến 6 tháng  trở lên mới có thể nhận biết được một vài những đặc điểm bệnh ở trẻ; chẳng hạn như nét mặt thờ ơ, không linh hoạt, không có nụ cười xã hội, không có phản ứng thích thú khi được mẹ nâng niu, ẵm bồng, … Tuy nhiên, cho đến khoảng 36 tháng tuổi thì việc chẩn đoán mới thật sự thích hợp vì lúc đó những dấu hiệu và triệu chứng của  tự kỷ sẽ lan tỏa và lộ rõ trên các mặt ngôn ngữ, hành vi, và trong các phản ứng tương tác xã hội của trẻ.

Tự kỷ đã có từ ngàn xưa trong nhân loại, nhưng chỉ trong vòng những thập niên vừa qua nó mới được các chuyên gia nghiên cứu, giải thích và đặt tên. Ở Phương Tây, trước đây tự kỷ được gọi là “Infantile Autism” hay “Kanners Syndrome” (do bác sĩ Leo Kannner phát hiện năm 1943).

Có nhiều ý kiến cho rằng ngày càng nhiều trẻ bị tự kỷ bởi sự gia tăng về dân số trên thế giới đồng thời do quan niệm về định nghĩa thế nào là tự kỷ ngày càng được bổ sung và nới rộng. Đã có ý kiến cho rằng trẻ được sinh ra trong gia đình khó khăn thường mắc chứng tự kỷ và ngược lại cho rằng phần đa trẻ tự kỷ được tìm thấy trong gia đình giàu có, khá giả. Thật ra, cả hai quan niệm đều không có cơ sở, vì cho đến nay nhiều kiểm tra ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới vẫn không đưa ra được kết luận tự kỷ có liên quan đến yếu tố giàu nghèo.

Nhiều nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của tự kỷ xoay quanh 3 nhóm khác nhau: một nhóm theo văn hóa xã hôi, một nhóm thoe quan điểm tâm sinh, một nhóm theo quan điểm sinh học. Các lý thuyết theo quan điểm văn hóa xã hội thì cho là tình trạng căng thẳng, sức ép, sự rối loạn và chẹch hướng của đời sống trong môi trường gia đình và ngoài xã hội là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về sau cho thấy quan điểm văn hóa xã hội không đứng vững vì không tìm ra được con số thống kê cụ thể nào để bảo vệ lập trường của mình. Các lý thuyết về nhóm theo trường phái tâm sinh lại lý luận rằng nguyên nhân của tự kỷ là do rối loạn chức năng tâm lý thần kinh. Thường thấy rằng trẻ tự kỷ thường rối loạn khả năng nhận thức và tri giác, có nghĩa là bẩm sinh trẻ đã mất đi phương thức tư duy – yếu tố giúp đứa trẻ biết học, hiểu các vấn đề xung quanh. Đó là lý do vì sao trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp, đối đáp, không thể hiểu được lời nói, ám hiệu, ra dấu từ người khác, cũng như không thể chơi trò chơi sắm vai, giả vờ, tưởng tượng. Trường phái tâm sinh tin rằng tình trạng này đương nhiên phải có liên hệ trực tiếp với những tổn thương nào đó về mặt sinh lý thể chất của đứa trẻ từ khi đang còn trong bào thai. Từ đó các chuyên gia trong nhóm quan điểm sinh học đã cố gắng tìm tòi những dấu hiệu khác biệt liên quan đến cấu trúc và chức năng sinh hoạt não bộ của trẻ tự kỷ thông qua yếu tố di truyền, nhiễm độc trong quá trình thai kỳ, hóa chất, ….. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau về các trường phái nhưng các chuyên gia cũng cho thấy bức tranh về guyên nhân của tự kỷ. Cũng như sự khó khăn trong việc tìm nguyên nhân phát bệnh của nhiều loại bệnh tâm thần khác, điều này giúp các chuyên gia trị liệu có cái nhìn tổng quát và chi tiết hơn để từ đó đưa ra kế hoạch chữa trị thích hợp cho từng bệnh nhân.

Chữa rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ như thế nào?

Có nhiều tranh cãi về chứng tự kỷ có phải là “bệnh” không? Vì nếu là “bệnh” thì có thể chữa được bằng thuốc hoặc bằng nhiều cách khác. Riêng chứng tự kỷ không thể chữa hoàn toàn hết bệnh, do đó một số tài liệu cho rằng tự kỷ là rối loạn hơn là bệnh.

Tự kỷ không dùng thuốc để chữa, mà ở đây có nghĩa là dùng các phương pháp để trị liệu cho trẻ tự kỷ, tìm cách khắc phục những chức năng cho trẻ, can thiệp bằng phương pháp giáo dục sớm để nhằm hạn chế các rối loạn thứ phát. Phần đa, các nhà tâm lý trị liệu can thiệp về hành vi cho trẻ. Trong việc điều trị trẻ tự kỷ quan trọng vẫn là tình yêu thương, kiến thức, trình độ văn hóa, nhận thức, sự hiểu biết của cha mẹ đối với căn bệnh này rất quan trọng. Việc chữa trị cho trẻ tự kỷ cần phối hợp giữa bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý, nhà tâm thần học, chuyên gia ngôn ngữ, kỹ thuật viên trị liệu, giáo viên giáo dục đặc biệt và cha mẹ của trẻ.

Không có thuốc điều trị tự kỷ nhưng đối với những trẻ có những biểu hiện của các bệnh lý về thần kinh như động kinh, co giật, mất ngủ, tăng năng động, rối loạn ám ảnh, lo lắng,…. cần hỗ trợ về thuốc. Những thuốc này không chữa rối loạn phổ tự kỷ mà chỉ để hỗ trợ trong việc can thiệp cho trẻ và được uống dưới sự cho phép và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa về tâm thần học, bác sĩ nhi.

Hiểu để hỗ trợ trẻ bị tự kỷ?

Thường người ta hay nói trẻ bị tự kỷ là do trẻ suốt ngày xem tivi, xem ipad, do không biết cách chơi với bé. Những điều đó khiến cho những người trực tiếp chăm trẻ tự kỷ hay dằn vặt bản thân, đổ trách nhiệm cho nhau. Nhưng tự kỷ là một tình trạng phát triển từ khi mới sinh chứ không phải nguyên nhân từ các bậc cha mẹ. Tự kỷ là một tình trạng kéo dài suốt đời. Một dải phổ tự kỷ từ hội chứng Asperger là một hội chứng nhẹ cho đến hội chứng Kanner là một hội chứng khá nặng.

🔸Nhận biết sớm các dấu hiệu của trẻ bị tự kỷ. Những trẻ em mang chứng tự kỷ biểu hiện ở bộ ba khiếm khuyết: Trẻ có những dấu hiệu khiếm khuyết trong hành vi và giao tiếp, khiếm khuyết trong tương tác các mối quan hệ xã hội, cứng nhắc và không linh hoạt trong quá trình tư duy. Và một số các dấu hiệu phản ứng bất thường với âm thanh, kết cấu, mùi vị, cảm giác các mức độ đau khác nhau…..

🔸Các giác quan của trẻ tự kỷ hình thành khác biệt, đa số trẻ tự kỷ không tương tác bằng mắt. Khi nhìn người khác trẻ không quan sát hay cố định ánh nhìn, nên khi tương tác với trẻ, cha mẹ thường cảm thấy mình không hiện hữu trong mắt con. Về xúc giác trẻ cũng không nhạy cảm về mặt tiếp xúc, dễ dàng chấp nhận tiếp xúc hơn. Về thính giác, đa số trẻ bị nhạy cảm với âm thanh. Trẻ cảm thấy âm thanh xâm nhập vào cơ thể của mình, dẫn đến trẻ có những phản ứng tiêu cực. Cũng giống các chức năng khác, khứu giác ở trẻ tự kỷ cũng nhạy cảm hơn, khi bị mùi không quen thuộc tác động, trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng và thay đổi hành vi. Về vị giác, trẻ tự kỷ thường có thói quen cố định với thức ăn, vì các cháu sợ những gì mới mẻ. Thức ăn đôi khi cũng dẫn đến sự sợ hãi cho trẻ, có thể làm cho trẻ khó chịu, cáu ghét…..

🔸Trẻ tự kỷ là đứa trẻ lúc nào cũng bận rộn và làm việc cũng mình. Trẻ tự kỷ luôn thờ ơ, không quan tâm đến những người xung quanh, không thích gần gũi, cũng như ôm ấp, không có khả năng tương tác, giao tiếp, đối đáp như một đứa trẻ bình thường. Trẻ làm những việc lặp đi, lặp lại như xoay tròn, xoắn vặn bàn tay, nhảy xoay tròn…… Trẻ tự kỷ thường bị cuốn hút và rất kiên trì với những thói quen và những vật dụng được xem là quen thuộc với trẻ.

Cha mẹ cần làm gì khi có con bị tự kỷ?

🔸Để đánh giá một đứa trẻ có mắc chứng tự kỷ hay không thì trẻ cần hội tụ đủ 3 khiếm khuyết trên và cũng cần kiểm tra nhiều các test khác nhau.

🔸Để ý phát hiện sớm khi thấy trẻ không hề có phản ứng khi được gọi tên hoặc trẻ chỉ thích thú tập trung thời gian lâu với 1 vật gì đó.

🔸Cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám các trung tâm tâm lý trẻ em, phòng khám tâm lý, bệnh viện khoa tâm lý tâm thần nhi, … để được kiểm tra và tư vấn hướng can thiệp sớm cho trẻ.

🔸Cha mẹ thường hay có quan niệm sợ người khác xa lánh khi biết con mình bị mắc chứng tự kỷ, không nên giấu con mình mà nên nói cho tất cả mọi người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng, cô giáo dạy cháu biết về tình trạng của con mình.

🔸Nên cho trẻ hòa nhập với các bạn bè càng sớm càng tốt: bằng cách cho đi nhà trẻ, chơi với trẻ con hàng xóm… Nên cho trẻ hòa nhập vào môi trường của các bé bình thường càng sớm càng tốt.

🔸Việc dạy trẻ tự kỷ có những lúc rất khó khăn nhưng không phải lúc nào trẻ cũng không tiếp thu được cái ta dạy, mà có lúc sẽ còn nhanh hơn rất nhiều so với việc ta nghĩ. Do đó khi làm việc với trẻ cha mẹ hãy luôn kiên trì, kiên nhẫn, lặp đi lặp lại cho trẻ nhiều lần, không nên bi quan bỏ mặc trẻ mà hãy cùng trẻ vượt qua mọi thử thách, hãy cố gắng hiểu trẻ hơn là để trẻ phải cố gắng hiểu ta.

🔸Mỗi trẻ rối loạn phổ tự kỷ có khả năng tập trung khác nhau, mỗi cách tiếp nhận thông tin khác nhau, nên việc giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ tập trung hơn trong giờ học chúng ta cần chú ý đến các yếu tố môi trường xung quanh trẻ, sử dụng các đồ dùng dạy học phù hợp với khả năng tri giác của trẻ giúp trẻ tương tác tốt hơn. Và điều đó sẽ giảm thiểu những rỗi nhiễu gây ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

🔸Cha mẹ có con bị tự kỷ nên tham gia nhiều khóa học, các buổi hội thảo chuyên đề về tự kỷ để có thêm cái nhìn về chứng tự kỷ, từ đó hiểu hơn về tự kỷ, để chấp nhận, để yêu thương, để giúp đỡ và để hy vọng. Trên thực tế đã có rất nhiều cha mẹ đã thành công trong việc tập cho đứa con tự kỷ của mình tự làm mọi việc tự phục vụ bản thân, hòa nhập được với môi trường xung quanh.

Tự kỷ là một phần của thế giới này”. Là một đứa trẻ sinh ra, không lựa chọn được cuộc sống của bản thân, trẻ tự kỷ cũng như những trẻ khác, chúng cần được hiểu, thấu cảm, giáo dục, hướng dẫn để có thể phát triển, cần tình yêu và sự tôn trọng để hòa nhập. Là cha mẹ không lựa chọn được việc sinh ra một đứa trẻ như thế nào, nhưng có thể quyết định và thay đổi cuộc sống của con mình sau này. Hãy chấp nhận sự khác biệt của trẻ, hãy đồng cảm, hãy nâng đỡ, hãy yêu thương. Với mong muốn nhân văn và đạo đức, Viện Tâm lý SUNNYCARE mong muốn là nhịp cầu sẻ chia những kiến thức tâm lý trẻ em, những kiến thức về chứng tự kỷ, những phương pháp can thiệp trị liệu về những vấn đề tâm lý của trẻ. SUNNYCARE luôn sẵn sàng đồng hành cùng với gia đình có con bị chứng tự kỷ để giúp trẻ sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường.

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn