477 lượt xem

Muốn con hơn cha thì đừng áp đặt

“Cá không ăn muối cá ươn” – quan điểm giáo dục này dù đã tồn tại từ lâu song vẫn được nhiều bậc phụ huynh áp dụng triệt để.

Sinh ra trong gia đình gia giáo, anh T rất coi trọng việc giáo dục con. Ngay từ nhỏ, anh T đã đặc biệt nghiêm khắc, đặt ra rất nhiều quy định, nguyên tắc cho các con và sẵn sàng dùng đòn roi nếu các con không nghe lời. Bé lớn nhà anh từ nhỏ rất ngoan nhưng không hiểu sao lớn lên ngày càng lầm lì, ít nói, đặc biệt giữ khoảng cách với ba khiến anh rất khổ tâm. Gần đây, cháu có những biểu hiện mà theo anh T nói là “không thể chấp nhận được”: nhuộm tóc xanh đỏ, trả treo với ba, trốn học… Nhưng biện pháp kỷ luật trước đây của anh giờ không còn tác dụng nữa. Dù anh có đánh gãy roi, nhưng con không còn khóc nữa. Anh T hiểu giờ con đã lớn, đòn roi không còn làm chúng sợ nữa. Anh cảm thấy bất lực, không biết phải làm sao?

Minh. H, bị mẹ đưa đến trung tâm tham vấn tâm lý vì bướng bỉnh, hay cãi lời mẹ. Điều này khiến chị V – mẹ của bé vô cùng bức xúc, khó chịu. Chị tâm sự: là quản lý của một công ty lớn, công việc của chị vô cùng bận rộn, áp lực. Dù rất thương con, nên chị không thể ở gần con thường xuyên cũng như trò chuyện, lắng nghe con nhiều. Vì vậy chị mong muốn con gái phải hiểu và thông cảm cho mẹ. Vậy nhưng những lúc chị V mệt mỏi, áp lực trong công việc nên hờ hững hoặc khó chịu một chút là con gái lại giận dỗi, cáu kỉnh hoặc làm mặt lạnh đến khi mẹ năn nỉ hết lời mới thôi. Chị mong muốn chuyên gia tâm lý bằng cách nào đó giúp con gái chị ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ hơn.

Sự áp đặt của cha mẹ cũng là nỗi ám ảnh của không ít những người trưởng thành. M. T, 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và có bạn trai nhiều năm nhưng không thể kết hôn vì sư ngăn cản của gia đình. Trước đây, cô từng yêu một người đàn ông hơn nhiều tuổi, bị lừa dối và tổn thương sâu sắc. Điều đó khiến T suy sụp, mất niềm tin. Đến vài năm sau đó, khi gặp người bạn trai hiện tại, sự chân thành, kiên nhẫn của anh ấy mới khiến cô mở lòng đón nhận. Cả hai đã bên nhau một năm, tình cảm ngày càng tốt đẹp và đã tính tới chuyện hôn nhân. T đã dự định ngày đưa bạn trai về ra mắt thì không hiểu sao gia đình phát hiện. Ngay lập tức, ba mẹ yêu cầu T đưa bạn trai về để phụ huynh “xét duyệt”. Sau đó, vì lý do chàng trai tướng mạo không “đàng hoàng” lại khắc tuổi với con gái, ba mẹ cô phản đối quyết liệt, tìm mọi cách gây sức ép để con gái chia tay người yêu. T càng nghĩ càng cảm thấy khó hiểu, ấm ức. Trước kia, cô cứ đinh ninh cha mẹ sẽ rất ủng hộ vì bạn trai cô vừa học rộng, tài cao lại con nhà đàng hoàng, có điều kiện. Lúc này, cô hoang mang không biết làm sao để ba mẹ đổi ý. Từ trước đến giờ, mọi chuyện từ lớn tới nhỏ cô đều phải nghe theo ý gia đình. Ba mẹ cô nổi tiếng nghiêm khắc trong giáo dục con. Đến tận bây giờ, những trận đòn của mẹ vẫn ẩn hiện trong giấc mơ đẫm nước mắt của cô.

Trong những câu chuyện kể trên, có thể thấy điểm chung là các bậc phụ huynh đưa ra quan điểm riêng của cá nhân mình và buộc các con phải thực hiện. Họ không quan tâm đến suy nghĩ, cảm nhận, mong muốn của các con là gì? Thực tế, rất nhiều đứa trẻ đã chia sẻ với chuyên gia tâm lý  cảm giác buồn bực, ấm ức khi ba mẹ chưa hiểu hết vấn đề đã vội la mắng, đánh đập và ép buộc chúng làm những điều không mong muốn. Từ đó, mỗi khi gặp vấn đề gì, các bé thường có xu hướng giấu kín, không cho ba mẹ biết, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với phụ huynh để tránh những “phiền hà” khi ba mẹ phát hiện.

Thông thường, trẻ có xu hướng chia sẻ nhiều hơn với bạn bè vì dễ tìm thấy sự đồng cảm, động viên. Tuy nhiên, vì cùng có những hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm sống, chúng rất dễ “xúi nhau làm bậy”. Nhiều kẻ xấu cũng lợi dụng tâm lý này của trẻ nhỏ để chuộc lợi. Như vậy, sự áp đặt có thể khiến các bậc phụ huynh vô tình đẩy con ra xa vòng tay của mình, đến gần hơn với những cạm bẫy.

Bên cạnh đó, sự kiểm soát gắt gao, áp đặt quan điểm khiến đứa trẻ luôn bị gò ép theo một khuôn mẫu có sẵn. Điều đáng nói là xã hội ngày càng thay đổi trong khi nhiều phụ huynh vẫn ngại thay đổi, khư khư giữ quan điểm cố hữu. Bên cạnh đó, mỗi đứa trẻ cũng có cá tính, năng khiếu riêng. Việc phụ huynh nhất định gò ép con phải đi theo sự sắp đặt của mình khiến đứa trẻ không có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Những đứa trẻ đã quen với việc  quyết định thay, làm thay của phụ huynh ngày càng trở nên thụ động, lệ thuộc, thui chột khả năng sáng tạo, tự chủ.

“Con hơn cha, nhà có phúc”, câu nói đó nói lên khát khao của ông cha ta về sự tiến bộ, thành đạt của những thế hệ sau. Muốn vậy, phụ huynh cần dũng cảm thừa nhận những hạn chế, thiếu sót, hạn chế uy quyền trong mối quan hệ với con cái, trao cho con nhiều tự do, quyền tự quyết trong phạm vi thích hợp, đừng tạo cho con chiếc vòng kim cô, để khi đứa trẻ càng lớn, chiếc vòng càng thít chặt khiến đứa trẻ đau đớn, bức bối, buộc phải tìm cách chống phá.

Đoàn chuyên gia tâm lý Viện tâm lý SUNNYCARE

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn