495 lượt xem

Tuổi xế chiều

Câu hỏi: Tư vấn tâm lý

Chào chuyên gia,

Bố tôi bị căn bệnh tiểu đường đã 10 năm, gia đình cũng khuyến khích ông thực hiện theo những chỉ dẫn của bác sĩ. Qua những lần tái khám định kỳ, sức khỏe của bố tôi khá ổn. Gia đình có 2 chị em nhưng ai cũng có gia đình riêng và không sống cùng bố mẹ. Bố mẹ từ trước giờ vẫn sống ở Vũng Tàu. Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang và nhân hậu đã đồng hành cùng bố tôi suốt những năm ông bị bệnh.

Thời gian gần đây, tôi có rước bố mẹ lên chơi cũng được 4 tháng. Biết bố mẹ chưa quen với nhịp sống trên thành phố nên tôi cũng tận dụng nhiều thời gian rỗi đưa bố mẹ đi đây đó. Tuy nhiên, gần tháng nay ông hay than phiền đau tức ngực. Tôi có đưa đi thăm khám nhưng không tìm được nguyên nhân bệnh. Tôi thấy sự lo lắng rõ rệt nơi ông, ông hay buồn và nhiều khi cáu giận với mọi người hơn. Tôi rất lo lắng. Xin cho tôi lời khuyên về trường hợp của bố mình. Tôi cảm ơn.

SUNNYCARE Trả lời:

Chào chị,

Tình trạng sức khỏe của bác nhà hẳn khiến chị lo lắng, tuy nhiên chúng không phải là những tổn thương, sang chấn về mặt thực thể mà do sự thay đổi tâm sinh lý tuổi già, lo lắng về bệnh tật cũng như việc thay đổi môi trường sống. Chị có thể cân nhắc để tìm cách khắc phục.

Trải qua thời gian điều trị bệnh, tác dụng phụ của dược phẩm ít nhiều khiến người bệnh mệt mỏi. Tình trạng chán nản, nghi ngờ về hiệu quả của phác đồ điều trị làm gia tăng những biểu hiện cáu gắt, giận dữ ở họ. Chính vì thế, các triệu chứng cơ thể gần đây có thể do những dồn nén, ức chế và tâm lý chưa chấp nhận bệnh của bác. Đây cũng là điều dễ hiểu và cần sự cảm thông, chia sẻ từ mọi người xung quanh.

Việc thay đổi môi trường sống cũng sẽ là yếu tố không thuận lợi vì tuổi xế chiều cần an toàn và sự ổn định để họ sống với những hoài niệm đã qua. Nhiều khi hai bác không tiện để chia sẻ với chị nhưng nếu tính đến phương án lâu dài, chị nên cân nhắc để hai bác trở về Vũng Tàu. Chỉ cần tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ và có người đồng hành, tin chắc sức khỏe của bác trai sẽ ổn hơn rất nhiều.

Chị hãy bàn bạc với gia đình quan tâm, chuyện trò với bác trai nhiều hơn. Những bữa ăn hay gặp mặt tại nhà sẽ ý nghĩa và hữu ích hơn việc di chuyển, đi đây đi đó. Đừng xem bố như người bệnh, hãy để bác ấy phụ giúp chị một vài công việc tại nhà. Khuyến khích bác trai duy trì những thói quen hữu ích như đọc sách, xem tin tức, thú chơi cây kiểng, nuôi cá…Chúng sẽ giúp bố chị gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và không quá tập trung vào bệnh tật. Chị nên thống nhất với các thành viên trong gia đình tránh sự suy diễn hay nhắc đến cái chết trước mặt bố vì lo âu, ám ảnh sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Việc lắng nghe và quan sát sẽ giúp chị biết những kỳ vọng của bố mẹ và yêu thương họ nhiều hơn.

Cảm ơn chị.

Chuyên viên Nguyễn Thị Thúy Hằng
Đoàn chuyên gia Tâm lý SUNNYCARE

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn