Câu hỏi: Tư vấn hôn nhân
Em năm nay 35 tuổi, lấy chồng được 5 năm và có một con trai 4 tuổi. Trước khi cưới nhau, anh ấy cũng chưa có định hướng trong sự nghiệp rõ ràng, anh là người hiền lành chu đáo và chúng em cũng trải qua 4 năm yêu nhau. Cuộc sống sau hôn nhân khá ổn cho đến khi chúng em có con đầu lòng.
Sau khi cưới nhau anh về làm kinh doanh cho công ty nhà thay vì đi làm công trình xây dựng trước kia. Tuy vậy, do anh không được chịu khó nắm bắt cơ hội nên đã 4 năm trôi qua không thu hoạch được thành quả gì. Chúng em may mắn không phải lo nhiều về tài chính vì gia đình 2 bên hỗ trợ. Có lẽ vì thế mà đối với anh như vậy là đủ, không cần phải phấn đấu nhiều hơn làm gì. Anh có viêc thì làm không có việc thì lại đọc truyện, chơi game. Bảo anh kiếm cái gì làm thêm thì anh cũng chỉ ậm ừ cho qua rồi lấy lý do này lý do kia.
Công việc em khá ổn định, có thể tự xoay sở tài chính. Em không bao giờ so sánh thu nhập của mình và chồng, nhưng em không cảm thấy thỏa đáng khi có con rồi anh vẫn không biết lo lắng về tài chính. Em có thể chấp nhận anh thất bại trong công việc nhưng em không thể chấp nhận anh chồng lười không muốn kiếm tiền. Em nói chuyện nhiều với anh về chuyện định hướng và công việc của anh. Anh không còn quá trẻ để tiếp tục sống dễ dãi như vậy được, và ngay cả bố anh cũng động viên anh nhiều về vấn đề này.
Trong gia đình nếu có mâu thuẫn thì anh luôn là người chủ động làm hòa, nhưng anh lại không bao giờ chịu nói chuyện thẳng thắn về những vấn đề mâu thuẫn, nhiều lúc cứ nói động tới là anh sẽ bỏ đi không nghe. Về đối xử với gia đình thì anh khá hài hòa và biết nghĩ cho bố mẹ dù đôi lúc không thể tránh khỏi mâu thuẫn.
Gần đây, mối quan hệ của chúng em không được tốt vì không thể chia sẻ được với nhau trong công việc và cuộc sống. Em thấy quan điểm sống của cả hai khác nhau quá, em muốn chia sẻ và mọi thứ rõ ràng nhưng anh thì không. Tối về anh chỉ cầm ipad hoặc điện thoại chơi game đọc báo. Có mấy lần hứa và thỏa thuận thời gian sử dụng điện thoại buổi tối nhưng rồi cuối cùng vẫn không thay đổi được. Chúng em như 2 người khác phái ở chung phòng, và mỗi người theo đuổi một góc trời riêng vậy. Dù vậy thì vẫn phải nói anh rất thương và có trách nhiệm với con. Tuy nhiên cuộc sống vợ chồng tẻ nhạt làm em thấy mệt mỏi và không biết làm sao để cải thiện, vì đã mấy lần ngồi lại nói chuyện, thay đổi vài ngày rồi lại y như cũ.
Em không biết phải làm sao, nếu cứ tiếp tục như vậy không phải là giải pháp tốt cho cả hai. Em đã từng nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng vẫn băn khoăn. Xin SUNNYCARE cho em lời khuyên.
SUNNYCARE Trả lời:
Mến chào em,
Rất cảm ơn em đã tin tưởng và chia sẻ câu chuyện gia đình cùng SUNNYCARE. Chúng tôi đồng tình với cách lý giải của em xung quanh thái độ và cách hành xử của chồng, rằng sự hậu thuẫn từ hai bên gia đình có thể khiến anh ấy chủ quan, ỷ lại. Tuy nhiên, việc thiếu kỹ năng, năng lực trong công việc và cách nhận diện vai trò trong gia đình cũng là những yếu tố có sự liên quan đến việc thiếu nỗ lực, khẳng định bản thân.
Chúng ta thường có xu hướng thỏa hiệp với chính vùng an toàn do bản thân tạo dựng, dẫn đến việc thiếu tự tin và đánh giá bản thân. Thái độ e ngại, trốn tránh khi em đề cập đến một vài thay đổi, đồng nghĩa với việc anh ấy hiểu rõ mong đợi của em, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào. Em có thể tìm hiểu khó khăn, tâm tư của chồng thông qua bạn bè, người thân hoặc nhìn nhận của anh ấy trước những câu chuyện cụ thể. Cách thức nêu trên không chỉ giúp em có sự đồng cảm mà còn sắp đặt công việc hiệu quả.
Em biết lo toan, vun vén gia đình là một điều may mắn với chồng và gia đình nhưng cũng chính điều này đôi khi khiến người bạn đời có cảm giác thua sút, thấp kém. Mỗi người đều có cách thức trấn an bản thân, thỏa hiệp và chấp nhận khiếm khuyết cũng là một trong những hướng giải quyết để duy trì hạnh phúc. Thấu hiểu tâm can của em nhưng nếu quả thật chồng em đang tồn tại những suy nghĩ nêu trên, em cũng không cần quá chu toàn. Hãy tạo cơ hội để anh ấy thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình, trách nhiệm cũng từ đó mà nâng cao.
Tâm trạng mệt mỏi, mất niềm tin xuất phát từ sự kỳ vọng nơi em, một khi chúng chẳng như mong đợi cũng như nỗ lực không được nhìn nhận sẽ kéo theo không ít những xung đột, mâu thuẫn gây tổn thương. Em có thể chia sẻ với bố mẹ hai bên để nhận thêm sự trợ giúp bằng cách không hỗ trợ tài chính, chăm sóc con cái để bản thân anh ấy nhận ra sự mất cân bằng mà chủ động, nỗ lực. Đây là giải pháp tạm thời nhưng cần mang tính nhất quán và nghiêm túc. Em sẽ có đôi chút vất vả, hãy san sẻ cùng chồng để anh ấy bắt tay xây dựng cùng em. Cần có sự rõ ràng trong phân công công việc gia đình, chăm con, thu chi… vì anh ấy chỉ thật sự thay đổi khi nhận thấy tính cấp thiết của những chia sẻ nơi em.
Không ai đủ sức chứa đựng một mối quan hệ nếu thiếu đi sự chia sẻ và tính trách nhiệm, tuy nhiên em đã từng thừa nhận, anh ấy không phải là người bố tệ hại, rất yêu thương và tôn trọng em thì không có lý do gì em không thể cho anh ấy thêm một cơ hội để hoàn thiện. Hãy tìm đến chuyên gia tâm lý nếu cần hoặc em có thể chọn cách dừng lại nếu sau ngần ấy nỗ lực gia đình không còn là nơi mang đến cho em sự bình an và hạnh phúc.
Cảm ơn em.
Chuyên viên Nguyễn Thị Thúy Hằng
Đoàn chuyên gia Tâm lý SUNNYCARE
————————
VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE
📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM
SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)
Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY
Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn
- Bạn có thực sự đang muốn cứu vãn tình yêu của mình?
- Trò chuyện hiệu quả với trẻ vị thành niên
- 6 điều nên và không nên làm khi dạy con kỹ năng đồng cảm
- Cách tình yêu kích thích sự sáng tạo và đổi mới trong cuộc sống
- Ám ảnh về cái chết
- 05 cách quản lý đa nhiệm hiệu quả trong công việc
- Khó khăn của chứng rối loạn lưỡng cực