Hiếu động là đặc điểm phát triển tâm lý thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiếu động ở mức độ nào thì được xem là bình thường, còn mức độ nào thì được xem là tăng động giảm chú ý. Một số bậc phụ huynh cho rằng việc con trẻ hiếu động, mất tập trung hoặc không chịu ngồi yên là điều hết sức bình thường với trẻ ở giai đoạn này. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại nếu rối loạn tăng động giảm chú ý không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho sự phát triển của trẻ về sau.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp nhất ở trẻ trong khoảng từ 5 đến 12 tuổi và đối tượng trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ, không phải các bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều có phương pháp, đôi khi việc sử dụng từ ngữ không phù hợp trong cách thức giáo dục con trẻ cũng dẫn đến những phản ứng bất lợi trong quá trình tương tác, điều đó cho thấy dù nhìn ở bất kỳ góc độ nào thì việc hướng dẫn hiệu quả (effective instruction) đối với những trẻ có những biểu hiện của tăng động giảm chú ý cũng là điều vô cùng quan trọng.
Theo một số nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ mắc bệnh nằm trong khoảng từ 3 – 17% tùy từng quốc gia (kết quả nghiên cứu từ khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2). Bên cạnh đó, theo thống kê khảo sát của BS.CK2 Phạm Thành Danh (2009) và ThS. BS Cù Huy Ngoạn (2010) trên địa bàn các khu vực phía nam thì tỉ lệ học sinh cấp 1 có triệu chứng của ADHD nằm khoảng 6.5%. Những con số trên có thể khiến chúng ta cần suy ngẫm rằng việc trẻ hiếu động quá mức hoặc không tập trung hay không chịu ngồi yên là một trong những dấu hiệu mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm.
Tất cả những dấu hiệu của tăng động giảm chú ý nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến những khó khăn cho trẻ về sau trong quá trình tương tác xã hội như: trẻ dễ bị bạn bè xa lánh, bị bỏ rơi, cô lập, kết quả học tập kém, bị lưu ban, bị thầy cô quở trách và liệt vào dạng học sinh cá biệt… điều này càng làm cho trẻ thiếu tự tin, cảm xúc không ổn định, lo âu, trầm cảm, chán học, bỏ học… hoặc một số trẻ có phản ứng trở nên cô độc, dễ giận dữ gây gổ, thách thức chống đối xung quanh, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, ma túy khi lớn…
Nhận thấy được các yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ trong quá trình hình thành và phát triển cũng như thấu hiểu những lo ngại từ các bậc phụ huynh, chúng tôi luôn hy vọng sẽ được đồng hành cùng các bậc phụ huynh hỗ trợ con trẻ để con trẻ có thể phát triển mạnh khỏe và tốt nhất.
Vậy rối loạn tăng động – giảm chú ý là gì? Người lớn chúng ta có thể hỗ trợ thế nào cho con trẻ? Hãy cùng chuyên gia Viện Tâm Lý SUNNYCARE tìm hiểu một số vấn đề khái quát và một số cách thức tương tác với trẻ dưới đây.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh của trẻ em được đặc trưng bởi mức độ phát triển không thích hợp về: Tăng động (Hyperactivity); Bốc đồng (Impulsivity); Giảm chú ý (Inattention).
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tăng động giảm chú ý được bắt nguồn một số các yếu tố, trong đó có yếu tố di truyền, đây được xem là yếu tố bệnh căn có ý nghĩa nhất trong sự hình thành ADHD; những trẻ bị tổn thương thần kinh; hay những yếu tố nguy cơ như: mẹ hút thuốc lá, mẹ uống rượu, chuyển dạ nhanh hoặc chậm bất thường, trẻ non tháng, nhẹ cân, viêm não; và khiếm khuyết chất dẫn truyền thần kinh: Dopamine hay norpinephrine cũng là một yếu tốt dẫn đến rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ.
1. Triệu chứng của tăng động giảm chú ý
🔸Triệu chứng của tăng động (Hyperactivity): Ngồi không yên, vận động liên tục, nói liên tục, loay hoay chạm vật này chơi vật kia, khó thực hiện những nhiệm vụ cần sự yên lặng.
🔸Triệu chứng của bốc đồng (Impulsivity): Không kiên nhẫn, chen ngang khi người khác đang nói hoặc chen ngang khi bạn đang chơi trò chơi, dễ nổi đóa mà không nghĩ đến hậu quả.
🔸Triệu chứng của kém chú ý (Inattention): Dễ bị phân tâm, khó tập trung vào một việc nào đó, dễ chán nản sau vài phút, khó hoàn thành một việc, khó khăn trong việc làm bài tập, không chú ý lắng nghe, mơ màng, khó làm theo chỉ dẫn.
2. Một số lưu ý đối với các triệu chứng:
🔸Trẻ ADHD thường hiếu động hơn, bồn chồn, đứng ngồi không yên hơn trẻ bình thường lúc thức cũng như lúc ngủ.
🔸Trẻ ADHD dường như gặp khó khăn nhất trong việc duy trì sự chú ý
🔸Triệu chứng của ADHD cho thấy có sự biến thiên đáng kể tùy theo tình huống
🔸Trẻ ADHD không nhất thiết bộc lộ triệu chứng ở mọi tình huống
🔸Sự vắng mặt của triệu chứng trong một số trường hợp không loại trừ khả năng trẻ bị ADHD
3. Phân loại về chứng tăng động giảm chú ý
ADHD được phân thành 3 loại chính:
🔸Loại ADHD với hành vi chủ yếu là hiếu động, bốc đồng quá mức: Mặc dù trẻ rất hiếu động nhưng vẫn chăm chỉ và tập trung trong những hoạt động khác.
🔸Loại ADHD chủ yếu là thiếu tập trung, giảm chú ý: Ở trường hợp này, trẻ sẽ không quá hiếu động nhưng biểu hiện về giảm chú ý lại khá rõ nét.
🔸Loại ADHD kết hợp cả sự hiếu động và giảm chú ý, thiếu tập trung: Đây là dạng phổ biến nhất và thường xảy ra khi trẻ lên 7.
4. Những tình huống làm tăng triệu chứng ADHD
🔸Trong tình huống đòi hỏi trẻ phải ngoan, giữ yên lạnh, ngồi yên
🔸Khi đòi hỏi và yêu cầu trẻ càng lớn thì hành vi có vấn đề của trẻ càng dễ bộc lộ, ngoại trừ trong tình huống trẻ được khen thưởng cho việc tuân theo yêu cầu.
🔸Trong những tình huống quen thuộc nơi mà sự mới mẻ và những kích thích ở mức độ thấp.
5. Phương cách điều trị
2 phương cách điều trị chủ yếu cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý:
🔸Hóa dược (Pharmacotherapy): Một số nhóm thuốc thường gặp trong điều trị ADHD như Methylphenidate, Dextromethylphenidate, Dextroamphetamine, Amphetamine, Atomoxetine, Clonidine, Guanfacine.
🔸Liệu pháp tâm lý – xã hội (Psychological intervensions): Huấn luyện cha mẹ; huấn luyện kỹ năng xã hội; Điều trị nhận thức – hành vi; Liệu pháp tâm lý cho các bệnh đi kèm.
6. Gia đình cần hỗ trợ trẻ như thế nào?
🔸Cha mẹ cần có thái độ đúng: nhận thức rằng trẻ đang gặp khó khăn về rối loạn phát triển vì thế, cha mẹ không cầu toàn nhưng cần tin tưởng rằng trẻ có thể học, có thể thay đổi, trưởng thành và thành công.
🔸Giúp trẻ tập trung và được kiểm soát: cha mẹ có thể tạo và tuân theo các quy định được đề ra, sử dụng đồng hồ và báo giờ để thiết lập thói quen với trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đơn giản hóa chương trình hoạt động của trẻ để có thể giúp trẻ tuân thủ thời gian cũng như kiểm soát được hành vi của mình một cách phù hợp nhất.
🔸Khen ngợi trẻ để củng cố hành vi tốt: cha mẹ sử dụng sự khen ngợi trẻ để củng cố hành vi tốt thông qua lời nói, hành động hơn là đồ chơi, thức ăn, đối với những trẻ ADHD, cha mẹ cần thưởng ngay và không hứa hẹn lần khác. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể khích lệ điểm mạnh của trẻ để hành vi được củng cố tốt hơn.
🔸Tăng cường hoạt động thể chất: Trẻ ADHD có nhiều năng lượng cần tiêu hao. Hoạt động thể chất có lợi cho trẻ, cải thiện sự tập trung, giảm trầm cảm và lo âu, thúc đẩy não phát triển, hoạt động “xanh” trong tự nhiên.
🔸Giúp trẻ có giấc ngủ tốt: Giảm thời gian xem tivi đối với trẻ, loại bỏ caffeine. Tạo khoảng đệm bằng cách giảm hoạt động của trẻ tối thiểu 30 phút trước khi ngủ, ngoài ra cha mẹ cũng lưu ý dành 10 phút để ôm ấp trẻ, dùng mùi hương dịu hoặc nhạc nền êm dịu để trẻ dần đi vào giấc ngủ tốt hơn.
🔸Dạy trẻ cách làm bạn: Dạy trẻ cách làm bạn nhằm mục đích giúp trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội, trò chuyện với trẻ thật nhẹ nhàng và chân thành về thách thức mà trẻ gặp phải và làm sao để thay đổi. Các bậc phụ huynh cũng có thể cùng con chơi sắm vai cùng con, tạo không gian và thời gian cho con chơi và có thưởng khi con có những biểu hiện tốt. Tuy nhiên, “không dung nhận” về việc đánh nhau, xô đẩy nhau, la hét của con.
7. Cách thức tổ chức giáo dục đối với những trẻ ADHD trong học đường
🔸Phòng học nên bố trí theo kiểu rạp hát
🔸Vị trí ngồi trong lớp nên để trẻ ngồi hàng trước, hạn chế cho trẻ ngồi phía sau, cạnh cửa ra vào hoặc trẻ ADHD khác.
🔸Giảm ánh sáng và tiếng ồn, dùng ánh sáng điểm. Nhạc nền thường có hiệu quả với trẻ.
🔸Giảm thiểu dụng cụ học tập trên bàn
🔸Hướng dẫn trẻ ngắn gọn, rõ ràng
🔸Time – out: Phạt các hành vi không mong muốn; nên để trẻ ở một nơi (phòng) khác trong một khoảng thời gian làm cho trẻ có cảm giác cô độc và buồn tẻ nhưng không la mắng vì điều đó làm giảm sự tự tôn của trẻ.
8. Hậu quả của tăng động giảm chú ý
Hậu quả của rối loạn tăng động giảm chú ý làm cho trẻ dễ bị bạn bè xa lánh, bị bỏ rơi, cô lập, kết quả học tập kém, bị lưu ban, bị thầy cô quở trách và liệt vào dạng học sinh cá biệt… điều này càng làm cho trẻ thiếu tự tin, cảm xúc không ổn định, lo âu, trầm cảm, chán học, bỏ học… hoặc một số trẻ có phản ứng trở nên cô độc, dễ giận dữ gây gổ, thách thức chống đối xung quanh, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, ma túy khi lớn… Rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống xã hội, học tập, gia đình, nghề nghiệp của trẻ hiện tại và sau này.
Vì thế, khi thấy trẻ có những biểu hiện của chứng rối loạn này, cha mẹ nên đưa trẻ tới các chuyên khoa tâm thần nhi, các chuyên gia tâm lý trẻ em để được khám và tư vấn điều trị đúng hướng. Mặt khác, đối với những trẻ được xác định là rối loạn tăng động giảm chú ý, gia đình và nhà trường cần hiểu rõ tâm lý của trẻ để có cách giáo dục và hướng dẫn trẻ thích hợp tránh gây áp lực không cần thiết, có thể dẫn tới tiến triển xấu hơn.
Nếu các bậc phụ huynh có bất cứ thắc mắc nào, đừng ngần ngại chia sẻ ngay đến đoàn chuyên gia tâm lý SUNNYCARE qua tổng đài 1900 6295 hoặc đặt lịch hẹn gặp trực tiếp chuyên gia tại văn phòng SUNNYCARE TP.HCM. Chúng tôi luôn ở đây chào đón và sẵn sàng chia sẻ cùng các bậc làm cha làm mẹ trong hành trình cùng con phát triển đầy tình yêu thương!
————————
VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE
📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM
SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)
Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY
Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn
- Bạn có thực sự đang muốn cứu vãn tình yêu của mình?
- Trò chuyện hiệu quả với trẻ vị thành niên
- 08 bí quyết giúp bạn trưởng thành trong cảm xúc
- Giáo dục giới tính tuổi dậy thì – Những lỗ hổng và trái đắng
- Đó có phải là thích
- Sự trả thù tàn nhẫn của chồng
- Chấp nhận và thích nghi với cuộc sống khi có rối loạn tâm lý