624 lượt xem

Ám ảnh về cái chết

Câu hỏi: Tư vấn tâm lý

Cháu 20 tuổi, ông nội cháu mất đột ngột đã được hơn 6 tháng rồi. Từ lúc đó đến bây giờ, cháu luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh quan tài, hoa tang, nghĩa địa… Cháu đi học không tập trung được, lúc nào trong đầu cũng nghĩ lo sợ mình chết. Cháu cũng lo cả người thân bố mẹ, em mình cũng thế. Cháu cũng hay bị mất ngủ, ngủ không đủ giấc và hay bị thức giấc. Nhiều lúc cháu rất lo sợ những ý nghĩ trên trở thành hiện thực, cháu còn tự nhủ với lòng mình không được nghĩ về những ý nghĩ đó nữa nhưng chúng vẫn luôn xuất hiện trong đầu cháu làm cháu không thể kiểm soát được. Cháu rất lo lắng và sợ hãi khi nghe tin ai đó mất dù đó không phải người thân mình. Cháu mong được giúp đỡ để cháu được vui vẻ như trước. Cháu cảm ơn.

SUNNYCARE Trả lời:

Chào cháu,

Ông nội qua đời hẳn để lại trong cháu sự hụt hẫn khó tả và những khó khăn hiện tại cũng liên quan đến sự kiện trên. Mong cháu cố gắng để bản thân tìm lại cân bằng.

Qua chia sẻ, nhận thấy cháu đang có một vài dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn. Chúng khởi phát khi cá nhân trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện gây thương vong, sự mất mát hay những yếu tố đe dọa. Ngay lập tức, các phản ứng như sợ hãi, lo lắng, vô vọng, kinh hoàng xuất hiện. Về lâu dài, các cá nhân sẽ phải trải qua ba nhóm triệu chứng. Thứ nhất là ký ức xâm nhập tức là sự tái hiện lại sự kiện trong tâm trí dưới dạng những hồi tưởng. Chúng thường mang lại cảm giác như thật nhưng có thể mang tính chắp vá hoặc bộ phận. Triệu chứng thứ hai là sự né tránh và cuối cùng là những kích thích quá mức, dai dẳng có thể được biểu hiện bởi sự cáu kỉnh, dễ giật mình, lo lắng dẫn đến mất ngủ hoặc khó tập trung.

Khó ai chấp nhận chuyện mất mát của người thân. Nhưng đã là quy luật sinh tử thì không ai có thể thay đổi. Ông nội hẳn là người cháu rất thương quý và sự ra đi đột ngột kia khiến cháu có cảm nhận mọi thứ vượt quá sức chịu đựng. Chia sẻ điều này những mong cháu bình tâm đối diện thực tế và hiểu rõ tình trạng của bản thân.

Trước mắt, cháu nên chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình với cha mẹ, người thân để được trấn an và xoa dịu. Hạn chế những lúc một mình hay tiếp xúc với sách báo, phim ảnh nói về cái chết, sự tan thương. Tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao để cơ thể sản sinh nhiều năng lượng tích cực.

Việc đăng ký thăm khám tâm lý là điều cần thiết với cháu trong thời gian này. Nhà chuyên môn sẽ có những kỹ thuật giúp cháu đối đầu với nỗi sợ hãi liên quan đến sang chấn trong quá khứ.

Có thể cháu sẽ mất một thời gian khá dài để lấy lại cân bằng nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua khi cháu thêm tin yêu cuộc sống.

Chúc cháu bình an.

Đoàn chuyên gia Tâm lý SUNNYCARE