273 lượt xem

Tâm thần phân liệt – đáng thương hay đáng sợ?

Cuộc sống tiến bộ và hiện đại ngày nay vừa đem lại nhiều thành quả vật chất và sự hưởng thụ cho con người nhưng cũng vừa phát sinh thêm hàng loạt những nhu cầu và các mối bận tâm cho mỗi cá nhân, trong đó nhu cầu về một đời sống tinh thần lành mạnh đang được mỗi người chúng ta đặc biệt quan tâm. Mỗi cá nhân đều mong muốn có được sức khỏe về thể chất và tinh thần lành mạnh, thế nhưng ngày nay, căn bệnh Tâm thần phân liệt hiện không còn xa lạ và là kẻ thù thầm lặng luôn rình rập bất cứ ai trong mỗi người chúng ta.

Tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng, biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần và về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân. Trong thời gian bệnh, người bệnh thường trở nên xa lánh gia đình và mọi người xung quanh, ít nói chuyện với người thân và trở nên trầm tư, lo âu hay sợ hãi. Về lâu dài có thể khiến người bệnh mất dần khả năng tư duy, nhận thức và các năng lực lao động, tương tác. Như vậy, có thể thấy Tâm thần phân liệt là một căn bệnh đáng sợ, nếu không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời, nó có thể trở thành “sát nhân tàn bạo” đe dọa đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của bất kỳ ai.

Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt ở người trẻ trưởng thành là khoảng 0,3 – 0,7%. Đáng kể hơn, đây là căn bệnh thường bắt đầu vào tuổi trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cứ 100 người dân thì có 1 người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Và những con số này sẽ vẫn tiếp tục tăng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại ngày càng cao khiến con người chịu nhiều áp lực công việc, căng thẳng dẫn đến sử dụng các chất kích thích gây rối loạn não bộ. Những nghiên cứu trên chỉ ra rằng Tâm thần phân liệt là một căn bệnh quái ác có thể gặp ở bất cứ ai, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó sẽ gây ra hàng loạt sự bất tiện và khó khăn cho bản thân người bệnh cũng như thân nhân và có thể gây ám ảnh suốt cả cuộc đời họ.

Điển hình là trường hợp anh T 40 tuổi được mẹ đưa đến SUNNYCARE dù trước đó đã đi bệnh viện thăm khám rất nhiều lần vì người mẹ cảm thấy quá sợ hãi về đứa con của mình. Anh mặc một bộ đồ xộc xệch, mang đôi dép ngủ. Triệu chứng bệnh của anh trải từ những cơn giận vô cớ với mẹ mình đến cười khúc khích, xun xoe dụ dỗ chuyên gia tâm lý. Ngôn ngữ và thái độ của anh như một đứa trẻ con, bước đi õng ẹo, đánh eo quá mức. Người mẹ bảo anh không chịu uống thuốc chừng một tháng trước. Rồi từ đó, anh bảo mình lúc nào cũng nghe thấy một giọng nói trong đầu, cách ăn mặc càng lúc càng kỳ quái. Khi được hỏi anh đang làm gì, anh trả lời rằng: “Tôi đang ăn dây điện và chuẩn bị đốt lửa.”

Hay trường hợp chị L – một nhân viên kế toán khi đến tham vấn đã nói: “Mấy con giun đó vẫn còn trong người tôi.” 4 năm về trước, trong một lần tắm, chị chú ý đến những thứ mà chị cho là “những con giun nhỏ”. Không lâu sau đó, chị trải nghiệm cảm giác “những con giun đó đang chui qua da tôi”. Nhiều lần đi khám bác sĩ và mang theo cả mẫu nước mà chị cho rằng có giun, nhưng không nhân viên nào có thể tìm ra bất cứ loài kí sinh trùng nào. Dù bác sĩ không ngừng bảo rằng cái đó chỉ là những mảnh da khô của chị thôi nhưng chị vẫn không tin. Chị cảm thấy bạn bè và đồng nghiệp đang dần xa lánh mình vì mấy con giun đó. Sau đó khoảng vài tháng, lúc đi nhà thờ, chị thấy chuỗi tràng hạt tự dưng xoay theo chiều kim đồng hồ và chị thấy mình có lực từ hút những thứ xung quanh. Chị cho rằng bởi vì những con giun xâm nhập vào tủy sống và không ngừng di chuyển nên đã tạo ra lực từ như thế.

Hai trường hợp trên có thể thấy rõ ràng rằng người bệnh mất khả năng vận hành tổ chức nhận thức và cảm xúc, gây nên nhiều triệu chứng điển hình của Tâm thần phân liệt. Vậy nên, khi bản thân bạn hoặc thân nhân có những triệu chứng của TTPL, hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được điều trị đúng cách. Để biết được Tâm thần phân liệt đáng thương hay đáng sợ cũng như hiểu rõ hơn về căn bệnh này để kịp thời ngăn chặn nó gây ra những sự bất tiện và khó khăn cho người bệnh, hãy cùng Chuyên gia Tâm lý SUNNYCARE tìm hiểu một số kiến thức hữu ích dưới đây.

Chuyên gia tâm lý SUNNYCARE chia sẻ rằng: Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một hình thức rối loạn não bộ, biểu hiện qua những tính cách bất bình thường của các chức năng thuộc về ý tưởng, nhận thức và hành vi của người bệnh. Sự rối loạn trong tư tưởng, hay nói cách khác là sự loạn thần của bệnh tâm thần phân liệt gồm có 2 triệu chứng chính: tính ảo giác tính hoang tưởng. Tùy trường hợp bệnh, hai triệu chứng ảo giác và hoang tưởng thường khởi phát một lần với nhau, hoặc là cái này có thể có trước cái kia, hoặc chỉ có một trong hai triệu chứng khởi phát.

Tâm thần phân liệt thường khởi phát phổ biến trong khoảng thời gian từ 17 đến 35 tuổi. Vẫn có những trường hợp bệnh xảy ra ở các lứa tuổi sớm hơn hay muộn hơn so với dãy tuổi này, nhưng số lượng được ghi nhận là ít phổ biến. Quá trình diễn biến của bệnh thường thay đổi theo từng trường hợp, tuy nhiên thông thường bệnh nhân phải trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn tiền bệnh (có những dấu hiệu tiềm ẩn và có thể lộ ra trên nhiều phương diện như tính tình thất thường, khi nóng giận, cộc cằn, khi buồn bã, âu sầu; đôi khi có những ý tưởng lạ lùng, kì cục hoặc làm những việc không bình thường, không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại); giai đoạn tích cực (thời kỳ xuất hiện và hoành hành của những dấu hiệu và triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn khả năng suy nghĩ, giảm biệu lộ tình cảm, cách ly xã hội…); giai đoạn biến chứng (bệnh nhân trở lại trạng thái ban đầu của thời kỳ tiền bệnh, vẫn còn những triệu chứng tồn tại như tránh né giao tiếp, khó khăn trong diễn đạt ý tưởng…). Thời hạn của mỗi giai đoạn có thể dài ngắn khác nhau – vài ngày, vài tháng, vài năm – tùy theo những điều kiện và đặc tính riêng biệt của người bệnh.

Nguyên nhân

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tâm thần phân liệt, nhưng cũng có thể do một số yếu tố khác nhau phối hợp gây nên:

+ Yếu tố di truyền: Bệnh TTPL có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Ở dân số bình thường thì tỉ lệ mắc bệnh là 1%, nhưng nếu có một người trong số cha mẹ bị TTPL thì tỉ lệ mắc bệnh của các đứa con tăng lên đến 13%.

+ Sự bất thường của cấu trúc và chức năng não bộ: Hầu hết các nghiên cứu MRI báo cáo rằng tổng số lượng tế bào não của người bệnh TTPL ít hơn hẳn so với người thường và người bị TTPL có rãnh não thất bên trái nở ra lớn hơn rãnh não thất bên phải. Một số báo cáo còn chỉ ra kích thước một số bộ phân của não như hồi hải mã, hạch hạnh nhân bị giảm khiến việc điều khiển cảm xúc, suy nghĩ và nhận thức của người bệnh bị ảnh hưởng trầm trọng. Bên cạnh đó, người mẹ đang mang thai bị virus xâm nhập hoặc bị bệnh cảm cúm trong thời kỳ mang thai thì đứa con sinh ra cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao.

+ Yếu tố sinh hóa: Chất dẫn truyền thần kinh Dopamine ảnh hưởng đến ngôn ngữ, cảm xúc, hành vi và học tập, chịu trách nhiệm truyền đạt thông tin từ tế bào não này qua tế bào não khác, nếu nó bị dư thừa hoặc thiếu hụt thì não bộ sẽ bị rối loạn. Ngoài ra, những chất dẫn truyền thần kinh khác như norepinephrine, serotonin và glutamate cũng là những yếu tố cấu thành bệnh TTPL.

+ Yếu tố gia đình: Những khuôn mẫu giao tiếp và quan hệ trong đời sống gia đình cũng có ảnh hưởng quan trọng tới vấn đề làm khởi phát hay trầm trọng thêm bệnh tình. Do đó, bệnh nhận TTPL dễ tái phát hơn nếu không khí gia đình căng thẳng.

+ Yếu tố môi trường: Những áp lực từ cuộc sống và những thành kiến của xã hội là những yếu tố thúc đẩy sự xuất hiện của bệnh TTPL và làm cho bệnh tình thêm trầm trọng.

Triệu chứng

🔸Hoang tưởng

Là những ý tưởng không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn đúng. Nội dung hoang tưởng rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất là:

+ Hoang tưởng bị hại: bệnh nhân tin rằng mình đang bị ngược đãi, hoặc bị rình rập, theo dõi, hoặc bị tấn công, bỏ thuốc độc vào thức ăn hay bị giết chết bởi một đối tượng nào đó như người hàng xóm hoặc người trong gia đình.

+ Hoang tưởng liên hệ: người bệnh tin rằng những sự việc, biến cố, những người đặc biệt nào đó thường có liên hệ với nhau. Ví dụ tin rằng nhân vật X trong bộ phim Titanic nổi tiếng chính là mình.

+ Hoang tưởng tự cao: người bệnh tin rằng mình là một thiên tài, thánh thần hay đang làm lãnh tụ của cả thế giới.

+ Hoang tưởng bị chi phối: bệnh nhân tin rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình. Ví dụ tin rằng con quỷ Satan đã lấy hết sức mạnh của mình.

🔸Ảo giác

Là tình trạng hỗn loạn về tri giác, người bệnh cảm nhận sự hiện hữu của một vật hay sự việc nào đó nhưng thực tế là không có. Trong đó phổ biến nhất là triệu chứng ảo thanh.

+ Ảo thanh: bệnh nhân nghe thấy những tiếng nói và âm thanh không có thật nhưng vẫn tin là thật. Nội dung thường là buộc tội, đe dọa, chửi bới hay nhạo báng bệnh nhân. Ví dụ người bệnh nghe thấy tiếng trẻ con khóc ngày đêm khiến họ tưởng rằng mình đang có đứa con cần phải chăm sóc.

+ Ảo thị giác: là những hình ảnh không có thật nhưng bệnh nhân nhìn thấy như thật, gặp ở 10% số bệnh nhân TTPL. Các ảo thị thường là những hình ảnh ghê sợ khiến bệnh nhân rất lo lắng và sợ hãi.

+ Ảo xúc giác: bệnh nhân có cảm giác có các con côn trùng bò dưới da, hoặc phỏng rát, ngứa ngáy trên da thịt.

+ Ngoài ra, còn có ảo vị giác, ảo khứu giác, bệnh nhân luôn cảm thấy có những mùi vị đặc biệt nào đó nhưng thực tế là không có.

🔸Giảm biểu lộ cảm xúc

Cảm xúc biểu lộ ra bên ngoài không thể hiện đúng với tâm trạng đang có bên trong. Nét mặt không có sự linh hoạt, mắt lờ đờ, thiếu tiếp xúc, tiếng nói đều đều, không có sinh khí. Tình trạng đờ đẫn, mất hết những cảm xúc thích thú và quan tâm đến mọi việc xảy ra xung quanh người bệnh được gọi là tính mất khoái cảm. Bên cạnh đó, họ cũng thường biểu lộ cảm xúc trái ngược với tình huống hiện thực, đối với chuyện vui thì họ mếu máo, khóc lóc, đối với chuyện buồn họ lại cười sằng sặc.

🔸Rối loạn khả năng suy nghĩ

Lời nói của bệnh nhân trở nên khó hiểu, thường trả lời những câu không liên quan đến câu hỏi, ý tưởng rời rạc, nội dung nông cạn, không hàm chứa đầy đủ ý nghĩa. Họ cũng thường hay chuyển đổi chủ đề nói chuyện đột ngột, hoặc lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ liên tục.

🔸Xa lánh xã hội

Bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác, ngay cả với những người thân trong gia đình cũng không muốn nói chuyện vì họ bận rộn với những ý tưởng hoặc âm thanh trong đầu nên thường không quan tâm với những gì xảy ra xung quanh cuộc sống hằng ngày.

🔸Trương căng

Là những hình thức thể hiện quá đáng của điệu bộ và cử chỉ do bị tác động của những suy nghĩ căng thẳng đang có bên trong, do đó mất hẳn tính tự phát và tự nhiên.

Các loại trương căng thường thấy như: trương căng đờ đẫn (người bệnh thường ở tư thế yên lặng, không phản ứng, không chuyển động trước mọi kích thích), trương căng cứng nhắc (điệu bộ cứng cáp, thiếu uyển chuyển, ví dụ xoay đầu người bệnh qua một bên thì họ sẽ giữ mãi tư thế đó rất lâu), trương căng điệu bộ (dáng điệu kỳ cục, thiếu tự nhiên, ví dụ như dang tay đứng yên giữa đường lộ hàng giờ).

Nếu bạn hoặc thân nhân có những biểu hiện như trên kéo dài ít nhất 6 tháng và có ít nhất 2 biểu hiện kéo dài đến 1 tháng, đó là dấu hiệu của Tâm thần phân liệt. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin và tìm đến chuyên gia tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý là một việc làm cấp thiết và hữu ích.

Điều trị như thế nào?

🔸Dược lý trị liệu

Các thuốc chống loạn thần cổ điển như Chlorpromazine, Thioridazine, Fluphenazine… đã giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh Tâm thần phân liệt. Nhờ các thuốc này, đa số bệnh nhân TTPL không cần nằm bệnh viện tâm thần lâu dài mà có thể điều trị ngoại trú, họ vừa uống thuốc vừa có thể sống thoải mái trong gia đình và xã hội.

Hiện nay, đã xuất nhiện các loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới như Clozapine, Risperidone, Aripiprazole… vừa có hiệu quả mà lại ít tác dụng phụ hơn nên góp phần làm bệnh nhân yên tâm điều trị lâu dài.

🔸Tâm lý trị liệu

Bằng những chẩn đoán khoa học, các chuyên gia tâm lý SUNNYCARE có những can thiệp qua liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp trò chuyện. Đồng thời theo dõi, trắc nghiệm và đánh giá tiến triển của bệnh tình, khuyến khích và tập luyện cho người bệnh gia tăng khả năng sinh hoạt, tư vấn cho thân nhân và người bệnh về tình trạng bối rối và khó khăn của gia đình.

Bên cạnh đó, trong quá trình trị liệu, người bệnh cũng rất cần sự quan tâm, cảm thông của gia đình và mọi người xung quanh nên tâm lý trị liệu gia đình cũng thực sự cần thiết đối với giai đoạn này, nhằm cung cấp kiến thức và hướng dẫn người thân cách thức chăm sóc đúng đắn cho người bệnh trọng mọi tình huống bình thường cũng như khẩn cấp. Ngoài ra, các liệu pháp khác cũng được áp dụng như trị liệu nhóm đều đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tâm thần phân liệt có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đời sống của người bệnh:

– Đây là bệnh tâm thần nặng, người bệnh giảm sút nhận thức về bản thân mình và những người xung quanh, thay đổi tính tình, xa lánh người thân, ngôn ngữ và hành vi kỳ lạ, khả năng giao tiếp, học tập giảm sút.

– Làm giảm hoặc mất đi năng lực lao động và năng lực tương tác xã hội.

– Có khả năng tự hại bản thân và người thân vì những ý tưởng và hành động kỳ lạ trong quá trình bệnh ở giai đoạn tích cực.

– Làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cả gia đình, chịu áp lực lớn từ những thành kiến của xã hội.

– Nếu không được điều trị kịp thời, đều đặn và thích hợp, bệnh sẽ có chiều hướng mạn tính và nguy cơ tái phát cao.

Qua nhiều cuộc trao đổi, các chuyên gia tâm lý SUNNYCARE luôn khuyến khích bệnh nhân hoặc thân nhân có những cuộc tham vấn càng sớm càng tốt. Việc các triệu chứng nghiêm trọng đến mức nào, có xuất hiện thường xuyên hay không, và kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào cá nhân mỗi người và bệnh tình cụ thể của người đó. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội được giúp đỡ từ những nhà chuyên môn để có kết quả trị liệu tích cực bạn nhé.

Bạn thân mến, chúng tôi hiểu Tâm thần phân liệt gây ảnh hưởng trầm trọng đến bản thân người bệnh như thế nào, nếu bạn đang cảm thấy khổ sở vì những triệu chứng quái ác của căn bệnh gây ra hoặc mệt mỏi, buồn rầu vì thân nhân đang mắc phải căn bệnh này, đừng ngần ngại tìm đến chúng tôi để chúng tôi được đồng hành cùng bạn trong hành trình cải thiện đời sống tinh thần với những hình thức tham vấn/trị liệu thích hợp.

Bằng chuyên môn nghiệp vụ, dưới nhiều hình thức tư vấn như qua tổng đài tư vấn toàn quốc thường trực suốt 24 giờ trong ngày 19006295 hoặc thăm khám tâm lý trực tiếp tại văn phòng, các chuyên gia tâm lý SUNNYCARE luôn tận tình chu đáo và sẵn sàng hỗ trợ tinh thần với quyết tâm cao nhất để tìm lại tình yêu cuộc sống cho khách hàng có nhu cầu tham vấn tại SUNNYCARE.

————————

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

📌 Landmark Plus, 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

SUNNYCARE ấm áp chào đón bạn bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới. 

Để tư vấn qua điện thoại 24/7, bạn vui lòng gọi số 1900 6295 (Việt Nam)

Để đặt lịch gặp chuyên gia tâm lý trực tiếp tại văn phòng hoặc online qua video call, bạn vui lòng gọi số 028 7300 6848 – 089 639 7968 (Zalo) hoặc đăng ký TẠI ĐÂY

Để kết nối chương trình báo cáo chuyên đề tâm lý cho doanh nghiệp và chăm sóc tinh thần người lao động (EAP), bạn vui lòng liên hệ:
📧Email: infoasst@sunnycare.vn
☎️Tel: 028 7300 6848 | 📞Hotline: 092 176 8769 (Thư ký)
🌍Website: https://eap.sunnycare.vn